Dưới đây là khuyến cáo của TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ hô hấp.
Tại sao mùa lạnh dễ bị bệnh đường hô hấp?
Hầu hết bệnh đường hô hấp do tác nhân gây từ bên ngoài xâm nhập vào theo đường không khí. Trong khi đó không khí lại tồn tại nhiều vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh. Mặt khác, nhiệt độ thấp là điều kiện rất thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển nhanh chóng.
Mùa lạnh, hệ hô hấp là cơ quan có nguy cơ bị tấn công đầu tiên. Các bệnh về đường hô hấp thường gặp là: cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp nhưng nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng thành bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi...
Bên cạnh đó, nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết thay đổi đó là bệnh dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, bệnh liên quan đến các tác nhân dị ứng, virus.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, người cao tuổi và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn bởi có sức đề kháng kém. Với trẻ em, những chứng bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do rotavirus là thường gặp nhất.
Ở người cao tuổi, trời trở lạnh sẽ dễ tái phát một số bệnh mạn tính như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Những bệnh này rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính. Nếu cấp cứu không kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Cần lưu ý rằng, viêm phế quản, viêm phổi ở người cao tuổi thường không sốt cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, dễ khiến bệnh nặng và trầm trọng.
Dinh dưỡng phòng bệnh đường hô hấp
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh đường hô hấp. Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc ăn đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, và nhóm rau xanh, quả chín.
Chất đạm có 2 nguồn: động vật và thực vật, trong đó chất đạm có nguồn gốc động vật có chứa đầy đủ các acid amin thiết yếu và có giá trị sinh học cao, chính vì vậy, sẽ giúp tham gia miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Vì vậy, nên cung cấp đủ, cân đối chất đạm sẽ phòng bệnh tốt nhất. Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như: cá, tôm, trứng, thịt đỏ...
Phòng bệnh nói chung, đặc biệt phòng bệnh hô hấp nói riêng, cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống ô xy hóa như vitamin A, bởi vitamin A có vai trò tăng cường tế bào biểu mô của hệ hô hấp, tăng cường chất dịch nhày của hệ hô hấp. Những chất dịch nhày này ngăn ngừa sự tấn công, bám dính của virus, vi khuẩn.
Vitamin A có nhiều trong các loại rau màu xanh thẫm, quả màu đỏ, vàng như quả: đu đủ, dưa hấu, quả hồng, cà chua, rau dền đỏ, bưởi, cam, quýt... Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người lớn nên cung cấp 14 gam chất xơ/1,000Kcal mỗi ngày, trẻ em tùy độ tuổi, cũng nên cung cấp đảm bảo tối thiểu một nửa lượng chất xơ so với người lớn.
Cần lưu ý, không phải ăn quá nhiều rau củ quả mà cắt giảm quá nhiều lượng đạm hoặc cắt hoàn toàn lượng đạm. Luôn phải đảm bảo cân bằng trong 4 nhóm chất dinh dưỡng.
Mùa lạnh, cần ăn thức ăn nóng, không ăn, uống đồ lạnh tránh viêm họng. Bên cạnh đó, nên sử dụng các loại thức ăn có tính nóng, ấm, các loại gia vị có chứa kháng sinh thực vật cao như: tỏi, nghệ... Trong tỏi có chất kháng khuẩn mạnh và có chất chống oxi hóa. Kể cả tỏi ta, tỏi tây và hành lá đều có chứa hàm lượng kháng khuẩn tốt.
Nước cũng vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Thời tiết hanh khô, chúng ta nên uống nước thường xuyên, không để cơ thể quá khát mới uống. Ngoài ra, chúng ta cũng cần bổ sung ăn sữa chua, hay sữa chua uống để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.
Thực hiện một số biện pháp đơn giản để phòng các bệnh đường hô hấp :
Thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, tới những khu vực công cộng. Vệ sinh tay sạch sẽ là cách tốt để ngăn virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
Tránh tiếp xúc với người bệnh. Thời tiết giao mùa cần tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và mọi người trong gia đình.
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tạo không gian thoáng mát, lưu thông không khí, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.
Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tập thể dục thể thao, vận động thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, cần đi khám và điều trị sớm để phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn thành mạn tính, nguy hiểm.
SKĐS
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điều Kiện Bắt Buộc Với Khách Đi Máy Bay Từ 21/10