Nhiều DN dược linh hoạt ứng phó COVID-19
Đối mặt với đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp dược có phần khác biệt. Theo báo cáo tài chính quý 2/2021, nhờ sở hữu hai nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, có khả năng sản xuất thuốc cho kênh bệnh viện, thay thế nhiều loại thuốc nhập khẩu, Dược phẩm Imexpharm - DN dược của đất sen Đồng Tháp - ghi nhận hơn 317,4 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 2, Dược phẩm trung ương I - Pharbaco (PBC) cũng đón nhận niềm vui khi đạt doanh thu thuần hơn 256,3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 12,3 tỉ đồng, tăng lần lượt hơn 50% và 124% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành dược là nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung. Đại dịch ập đến khiến thách thức tăng lên.
Tổng kết quý 2/2021, Dược phẩm OPC (OPC) đạt doanh thu 194,4 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lãi sau thuế của OPC lại bị giảm hơn 20%, xuống 16,9 tỉ đồng. Đại diện OPC cho biết lợi nhuận giảm là do chi phí phát sinh tăng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tương tự, ngay từ năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, Dược phẩm Domesco đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, cung cấp kịp thời các sản phẩm phòng, chống dịch như: khẩu trang, nước rửa tay, cồn kháng khuẩn vừa giúp cộng đồng thêm "vũ khí chống dịch", vừa trở thành một mặt hàng xuất khẩu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nước: Pháp, Mỹ, Canada, các nước đông Âu, và châu Á lân cận. Sự nhạy bén đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Domesco năm 2020 tăng nhiều lần so với cùng kỳ.
Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, công ty vẫn vững vàng trước thử thách của dịch bệnh. Tuy nhiên, dù tăng trưởng mạnh về doanh thu, nhưng lợi nhuận công ty lại sụt giảm. "Giá vốn tăng cao là do ảnh hưởng của COVID-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nên giá nguyên phụ liệu và bao bì đều tăng so với cùng kỳ. Trong kỳ, Công ty duy trì cung ứng thuốc theo giá đã trúng thầu trong năm 2020 cho các bệnh viện, nên khi giá vốn tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận" - ông Nguyễn Văn Hóa, đại diện công bố thông tin của Công ty cho biết lý giải.
Ngoài ra, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các công ty dược, thị trường dược phẩm phục hồi chậm sau tác động của các đợt dịch, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thuốc cũng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là kênh nhà thuốc.
Sự thiếu hụt nguồn cung cấp nguyên liệu (API) khiến giá hầu hết các loại API nhập về Việt Nam tăng 5-8%, trong khi doanh thu các doanh nghiệp dược giảm hoặc tăng trưởng ít do giá bán không thể tăng.
Nỗ lực đảm bảo sức khoẻ người lao động
Mặc dù tình hình kinh doanh mỗi công ty một khác, nhưng điểm chung là các DN dược đều nỗ lực đảm bảo sức khoẻ người lao động lên cao nhất, cũng là để bảo vệ và duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm thuốc phục vụ người dân cả nước và nhu cầu xuất nhập khẩu.
Ngoài ra phải đối mặt với những thách thức về sự gia tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco đã nhanh chóng thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ) đối với 2 cơ sở sản xuất tại Hà Nội và Sóc Sơn.
Mô hình "3 tại chỗ" được triển khai trong phạm vi khuôn viên nhà máy và thông tin cho toàn thể công nhân – lao động được biết, đồng thời để người lao động tự nguyện đăng ký tham gia, hoặc lựa chọn nghỉ không lương tại nhà.
Sau khi chốt danh sách số lượng nhân viên, các trưởng phòng ban đã huy động toàn bộ nhân sự tham gia ở lại cơ sở sản xuất, chạy đua với thời gian bắt tay tự cải tạo chuyển đổi một phần không gian làm việc và nhà ăn tập trung trở thành địa điểm sinh hoạt tại chỗ với trang bị giường, chăn ga gối đệm đầy đủ nhằm đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi cho các CBCNV. Trước đó, 100% người lao động của Pharbaco đã được tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, giúp đảm bảo an toàn, giảm tâm lý lo ngại lây nhiễm, tập trung vào sản xuất.
Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam ngay từ khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan, đã thành lập nhóm xử lý nội bộ để theo dõi tình hình sát sao và đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo sự an toàn của nhân viên.
Ngoài việc trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn cho nhân viên, công ty cũng nhanh chóng thực hành những khuyến cáo vệ sinh tại văn phòng và nhà máy. Nhiều buổi hội thảo trực tuyến đã diễn ra để đảm bảo nhân viên toàn quốc liên tục được cập nhật các thông tin chính xác nhất về dịch tễ học và tình hình tại địa phương theo từng diễn tiến của bệnh dịch.
Trong lúc cao điểm dịch, hầu hết nhân viên Sanofi Việt Nam đã bắt đầu làm việc tại nhà dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ liên tục từ công ty. Dù không thể gặp mặt trực tiếp nhưng nhân viên Sanofi vẫn có thể kết nối và thảo luận về những công việc hằng ngày với nhau nhờ các công cụ trực tuyến. Những cuộc họp tại văn phòng nay đã trở thành những cuộc họp online qua Zoom hay Microsoft Team, những mẫu đối thoại công việc nay vẫn tiếp tục nhờ những nhóm chat trên Viber, WhatsApp hay Zalo, nếu muốn cập nhật cuộc sống thường nhật của đồng nghiệp thì đã có trang Yammer nội bộ.
Trái ngược với đa số nhân viên văn phòng và đội ngũ kinh doanh, đội ngũ làm việc tại Khối Công nghệ của Nhà máy Thủ Đức và Khu công nghệ cao TP.HCM vẫn đi làm bình thường để đảm bảo việc sản xuất và cung cấp thuốc cho các bệnh nhân không bị gián đoạn.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.