"Trời sinh voi, trời... không sinh cỏ"

21-02-2010 14:10 | Xã hội
google news

Cái cảnh một gia đình có đến mười mấy người con những tưởng chỉ có ở những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng hiện nay ở nước ta,

Cái cảnh một gia đình có đến mười mấy người con những tưởng chỉ có ở những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, khi mật độ dân số ngày càng cao đang gây sức ép lên khả năng cải thiện đời sống nhân dân và quá trình tích luỹ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước thì vẫn còn có những gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng ven biển, miền núi, vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn "hồn nhiên" đẻ... thật nhiều với quan niệm "Trời sinh voi... thì trời sinh cỏ"!

Đẻ nhiều... không hết khổ

Ở làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) không ai là không biết đến người đông con nhất làng là ông Nguyễn Độ với "kỷ lục đẻ nhiều" đến ... 12 người con. Lý do đông con được ông đưa ra là để cho đủ "đội quân đi biển". Hỏi ông Nguyễn, chuyện nuôi con nhiều có vất vả không, ông nói: "Có chi mà vất vả, trời sinh voi thì trời sinh cỏ thôi! Làng Cồn Sẻ có 546 hộ, 3.022 nhân khẩu. Bình quân mỗi hộ có gần sáu khẩu. Trong năm 2008 có 52 trường hợp sinh thì trên một nửa sinh con thứ ba trở lên. Chị Mai Thị An, cán bộ phụ nữ, cho biết: "Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ "sướng". Tuy nhiên "sướng" đâu chả thấy, chỉ thấy một làng nghèo nheo nhóc chỉ toàn là trẻ con.

 Những đứa trẻ ở Nậm Ban.Ảnh: gvt

Ông Vàng Seo Phú ở Pà Vầy Sủ, Xín Mần, Hà Giang, năm nay 66 tuổi, có tất thảy 15 đứa con. Trong 15 đứa ấy không đứa nào biết chữ. Vợ chồng ông Phú, cùng "bầy con" sống trong một ngôi nhà trình tường, nằm trên lưng chừng núi, giữa bốn bề là lau và cỏ dại. Ông Phú nói: "Vì già đẻ nhiều con, nên cái sự túng quẫn, nghèo nàn cứ đeo đuổi mãi".

Theo Chị Y Blăi, cán bộ phụ trách công tác dân số xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), ở địa phương nhiều chị em sinh 9 - 10 đứa con vẫn chưa chịu dừng. Như trường hợp chị Y Phyưn ở thôn 4, sinh năm 1972, lập gia đình với anh A Gưngh năm 1991 đến nay có đến... 10 đứa con. Khi hỏi Y Phyưn có ý định sinh nữa không thì chị đáp: "Trời cho sinh vẫn sinh". Ở thôn 4, xã Đăk Tơ Re, các gia đình đông con và khó khăn như chị Y Phyưn không hiếm. Chị Y Đít (35 tuổi), Y Hléch (37 tuổi), mỗi người đều có đến 9 mặt con. Khi cán bộ dân số đến tuyên truyền vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, hỏi thì Y Đít, Y Hléch đều nói: “Trời cho sinh bao nhiêu nuôi bấy nhiêu. Người ta nuôi con đông được thì mình nuôi được”.

Ông Lý A Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban (Sìn Hồ - Lai Châu) cho biết: "Chuyện người dân đẻ nhiều ở đây được coi là bình thường. Những gia đình có từ 6 người con trở lên ở đây không thiếu...". Vì sinh đẻ nhiều như thế cho nên đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban nghèo nhất huyện Sìn Hồ...

Giấc mơ... đến trường

Hình ảnh những em bé nheo nhóc, chốc chốc lại giơ tay quệt nước mũi "đánh xoẹt", đứa thì quần ống cao, ống thấp, đứa thì "cởi truồng" vì vừa đi vệ sinh xong thằng anh lớn hơn cắp nách em "nhúng" mông xuống dòng suối giữa làn nước lạnh buốt. Thương quá ! Trẻ em miền xuôi đâu phải chịu thế này?! Sinh đẻ quá nhiều bố mẹ chúng còn không nhớ hết tên, có em còn không được làm giấy khai sinh, sinh ra đứa nào khoẻ thì sống và lớn lên "tự nhiên" như cây rừng, hơn 3 tuổi đã theo mẹ đi nương rẫy... Như vậy thì làm sao các em có thể đến trường?

Ông Vàng Seo Phú, khi được hỏi về việc khai sinh, hộ khẩu cho các con, ông chỉ nói: "Tao già rồi, chẳng biết thủ tục gì đâu, trẻ con chúng nó không được đi học vì mỗi đứa con phải tự làm lụng, kiếm ăn hàng ngày mà".

Nhiều người gọi bản Mỏ Ba (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là "bản đẻ" bởi bình quân mỗi gia đình ở nơi đây có tới... 8 người con. Cũng vì vậy như vậy nên 58/63 hộ người Mông ở Mỏ Ba thuộc diện đói nghèo, thường xuyên đứt bữa, trẻ con nheo nhóc, thay vì được cắp sách đến trường thì hàng ngày chúng phải đi đào củ mài, kiếm rau rừng... Ước mơ lớn nhất của các em là được ăn no, mặc ấm và được đi học. Nhưng dường như những ước mơ ấy còn xa quá!

 Giấc mơ... đến trường. Ảnh: MH

... Và không có Tết

Có lẽ cái triết lý "trời sinh voi, trời sinh cỏ" đã thấm vào trong suy nghĩ của người dân. Cứ thế, đời qua đời, kiếp nối kiếp chưa lúc nào trong họ có khái niệm ngược lại - đẻ ít thì mới thoát nghèo. Đẻ nhiều thì đông con nhưng ruộng nương  có "đẻ" thêm được đâu - một cái vòng luẩn quẩn - và cái nghèo thì vẫn vậy!

Hàng năm khi mùa xuân đến, không khí Tết tràn ngập mọi nẻo đường, trẻ em miền xuôi, thành phố xúng xính trong những bộ quần áo mới, nhà nào cũng chuẩn bị đủ thực phẩm ngon dành cho ngày Tết. Còn ở những nơi xa xôi, những gia đình nghèo đông con chỗ "che mưa che nắng" còn tạm bợ, bữa ăn ngày thường còn "lúc đói lúc no" thì làm sao có Tết?

Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; trong đó có việc tuyên truyền vận động đồng bào sinh ít con, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hăng hái tăng gia sản xuất để thoát nghèo. Đến nay đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương trên cả nước đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên đây đó vẫn còn có những gia đình còn nghèo đói nhưng vẫn sinh con theo "lẽ tự nhiên". Để thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, làm giàu cho quê hương đất nước trước hết hãy phấn đấu sinh ít con để chúng có "cơm no áo ấm", được cắp sách đến trường. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ của những người làm công tác dân số. Đặc biệt ở những vùng nông thôn kém phát triển, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan, tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ phải tận tâm, trách nhiệm, có phương pháp và cách làm cụ thể, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế thì mới đáp ứng được nguyện vọng của người dân và yêu cầu phát triển của đất  nước. Đó cũng chính là lời phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam năm 2009 tại tỉnh Thái Nguyên.

Hà Giang


Ý kiến của bạn