Trời rét, không chủ quan với dịch bệnh

14-01-2019 07:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Giáp Tết, nhiều dịch bệnh có nguy cơ tái xuất, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm.

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Cùng với thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Thời tiết mùa xuân - thuận lợi dịch bệnh phát triển

Bộ Y tế cho biết, những tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những tháng cuối năm 2018, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông; bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh cúm A (H5N6) trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương. Trong khi đó, thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, những dịch bệnh như sởi, thủy đậu, Rubella, tay chân miệng, liên cầu lợn... có xu hướng gia tăng.

Tiêm phòng cho vật nuôi để phòng chống dịch bệnh.

Tiêm phòng cho vật nuôi để phòng chống dịch bệnh.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Theo Bộ NN&PTNT, giáp Tết, các địa phương cần chủ động phòng chống bệnh lở mồm, long móng gia súc và các bệnh truyền nhiễm khác trên đàn gia súc, gia cầm; khai báo kịp thời đàn vật nuôi có biểu hiện dịch bệnh nguy hiểm, không được giấu dịch. Các địa phương bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc; tổ chức đoàn kiểm tra các xã, thị trấn trong triển khai biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra và đang có chiều hướng lan rộng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị. Hiện các ngành chức năng tại địa phương này đã tiêu hủy gần 230 con lợn mắc bệnh.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh dịp giáp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường, giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh môi trường. Vệ sinh kém và sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân góp phần làm các dịch, bệnh đường tiêu hóa, giun sán, tay chân miệng... gia tăng, đặc biệt vào dịp giáp Tết.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn