Liên tiếp trong những ngày gần đây, không khí lạnh tăng cường tràn về miền Bắc khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy tăng theo. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng đối mặt với nguy cơ tái phát các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...
Gia tăng trẻ em nhập viện về đường hô hấp
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS chiều ngày 16/12, BS. Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BV Nhi T.Ư cho biết, trong những ngày gần đây, bệnh nhân đến khám ở BV Nhi có sự biến động nhẹ trong khoảng 300 - 500 bệnh nhân/ngày so với trước đó (khoảng 2.300 - 2.500 bệnh nhân/ngày) lên đến 2.800 - 3.000 trẻ em/ngày. Đối với bệnh nhân nội trú, trung bình có khoảng từ 1.400 - 1.700 bệnh nhân điều trị tại BV Nhi TW. Theo BS. Học, thông thường sau khi thời tiết thay đổi 5 - 7 ngày thì lượng bệnh nhi nhập viện mới tăng mạnh do lúc đó trẻ mới chịu ảnh hưởng mạnh của thời tiết lạnh. Thời tiết lạnh nên bệnh nhi tới viện chủ yếu do các bệnh viêm đường hô hấp, sốt cao, tiêu chảy do nhiễm Rotavirus.
Tuy nhiên, BS. Học cũng cho biết thêm do BV đang sửa chữa một số công trình nên cũng đã lưu ý các BV chuyên khoa nhi tuyến dưới hạn chế chuyển bệnh nhân lên BV Nhi TW, chỉ chuyển tuyến những trường hợp cần thiết nhằm tránh gây tình trạng quá tải bệnh nhân.
Tại Khoa Nhi - BV Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi cho biết, số lượng trẻ em đến khám, chữa bệnh có tăng đôi chút (khoảng 10%) từ trung bình 250 lên 280 trẻ đến khám/ ngày. Tuy nhiên, phần lớn các trẻ đến khám đều còn nhẹ, nên được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị tại nhà, do vậy số trẻ nhập viện ít (10 - 15 cháu/ngày).
Các trẻ đến khám điều trị dịp này chủ yếu bị bệnh viêm đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới, phổi, tiểu phế quản, tiêu chảy do virut và sốt do virut.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, để chống rét cho trẻ, ngoài giữ ấm, các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời phải thường xuyên để ý đến trẻ, tránh mặc nhiều quần áo quá đến khi nhiệt độ tăng, ấm lên trẻ lại bị ra mồ hôi, dễ dẫn đến cảm lạnh; cho trẻ vui chơi ở chỗ kín gió; phòng ngủ cần thường xuyên mở cửa trước khi ngủ để lưu thông không khí... Còn BS. Học nhấn mạnh, việc phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết thay đổi là hết sức quan trọng, cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm hợp lý. Đồng thời, cha mẹ cũng nên chú ý tới giấc ngủ của bé, một giấc ngủ sâu sẽ khiến bé khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện.
Gia tăng bệnh nhân bị tăng huyết áp trong thời tiết chuyển lạnh
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng là “nạn nhân” bị ảnh hưởng bởi thời tiết. TS.BS. Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh - BV Bạch Mai cho biết, do thời tiết chuyển lạnh, số bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp đến khám ở mức cao hơn các tuần trước khoảng 10 - 15%. Theo BS. Thành, thời tiết lạnh dẫn đến hiện tượng co mạch đột ngột khiến huyết áp tăng cao sẽ gây nên tai biến mạch máu não, đột quỵ. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca tử vong do biến chứng tai biến mạch máu não, nhưng hầu hết bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Nhiều người ở độ tuổi 30 - 40 đã bị tăng huyết áp, thậm chí đã có trường hợp ở lứa tuổi này hoặc trẻ hơn bị tai biến mạch máu não gây liệt do huyết áp tăng cao.
TS. Viên Văn Đoan - Trưởng khoa Khám bệnh - BV Bạch Mai khuyến cáo, thời tiết thay đổi, nhiệt độ trung bình trong ngày thấp thì nhóm người mắc các bệnh tim mạch và huyết áp cần có ý thức hơn trong bảo vệ sức khỏe. Theo đó, những người bị bệnh tim mạch cần thực hiện nghiêm y lệnh của thầy thuốc trong việc uống thuốc đều đặn, giữ ấm cơ thể, không nên làm nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột... Những người cao tuổi có thói quen tập thể dục buổi sáng sớm cần thay đổi lịch tập để tránh những tai biến xảy ra.
Nguyễn Nam