Trời rét, bệnh nhân nhập viện tăng mạnh

10-02-2022 19:49 | Y tế
google news

SKĐS - Thời tiết giá lạnh kèm mưa rét tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong những ngày đầu năm khiến lượng bệnh nhân nhập viện có xu hướng gia tăng.

Bệnh nhân nhập viện gia tăng

Theo thống kê tại Bệnh viện E, mỗi ngày Khoa Cấp cứu bệnh viện này tiếp nhận 80-100 bệnh nhân trong đó tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Những ngày gần đây, thời tiết trở lạnh khiến các bệnh tai biến, đột quỵ tăng 10-15% ở người lớn tuổi.

Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện E), trong những ngày gần đây tỷ lệ bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng từ 10-20%…

ThS. BS Lý Đức Ngọc - Phó khoa Nội Tim mạch người lớn (Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E) cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 10-15 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch (chưa kể bệnh nhân cấp cứu) trong đó có 2-3 trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, từ dịp Tết Nguyên Đán đến nay, khi nhiệt độ giảm sâu, tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim tăng lên từ 4-6 bệnh nhân mỗi ngày, thậm chí có ngày khoa tiếp nhận tới 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim phần lớn là  người cao tuổi.

Có những bệnh nhân dấu hiệu khởi phát từ 5-7 ngày nhưng vẫn không chịu đi khám, do vậy khi đến viện đã ngưng tim và phải cấp cứu tuần hoàn, đặt ống khí quản, thở máy… rất may mắn mới có thể qua khỏi. Tuy nhiên cũng có những trường hợp quá nặng, không qua khỏi, do thời gian để bệnh quá lâu gây hoại tử tim quá nhiều…

"Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng (cần can thiệp cấp cứu lập tức, thở máy) tăng 5-10% so với ngày bình thường, có những ca không kịp chờ xét nghiệm phải đi phẫu thuật ngay, bởi với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nếu qua thời gian vàng thì hậu quả có thể tử vong ngay trên bàn mổ vì không được tái thông mạch kịp thời", BS Đức chia sẻ.

Sở dĩ người cao tuổi và trẻ em là hai đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh khi thời tiết trở lạnh vì hai đối tượng này sức đề kháng kém. Người cao tuổi sự thích nghi không được như người trẻ và đôi khi cũng do chủ quan, nhiều người có dấu hiệu bệnh nhưng ngại thăm khám dịp Tết, ngại dịch bệnh nên tự chữa trị tại nhà… khiến bệnh trở nặng mới đưa vào viện cấp cứu.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện E đang thăm khám cho bệnh nhân.

ThS. BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết: Trong mấy ngày Tết số lượng bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu đông hơn, chủ yếu là các ca bệnh nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều trường hợp đến cấp cứu muộn, đã qua thời gian vàng cứu chữa… để lại nhiều di chứng nặng nề.

Ngoài gây tai biến, đột quỵ, thời tiết lạnh còn khiến các bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính, viêm phổi ... trở nặng hơn.

Nhiều người cao tuổi khi có các dấu hiệu bệnh thì lại tự chữa trị bằng cách mua thuốc uống hoặc bấm huyệt đến khi bệnh trở nặng mới đi vào viện khi đó thì đã qua thời gian vàng cứu chữa.

Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột qụy não nếu được cấp cứu nhanh, trong thời gian vàng thì tỷ lệ cứu sống cao. Nếu đến chậm, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê,  tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này…

Nguyên nhân khiến tỷ lệ người bệnh nhập viện tăng cao là do sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Thời tiết lạnh khiến nhiều người khởi phát các bệnh nền như huyết áp, tim mạch, đặc biệt ở người cao tuổi….

Do vậy khi có các dấu hiệu như đau ngực, khó thở... cần cho bệnh nhân đến viện thăm khám ngay.

Một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu tại Bệnh viện E.

Cách phòng tránh

Theo BS Hiếu, khi nhiệt độ giảm sâu, người lớn tuổi không nên tập luyện quá sớm, bởi bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp đi tập quá sớm bị hôn mê, người đi đường phải đưa vào viện, rất nguy hiểm, chỉ nên tập các bài tập nhẹ nhàng trong nhà…

Vào buổi đêm khi đi vệ sinh hoặc khi thức dậy buổi sáng nên dậy từ từ không tung chăn quá đột ngột khiến chênh lệch nhiệt độ cao dễ gây đột quỵ.

Gia đình cần quan tâm tới người cao tuổi hơn, không để họ ra đường khi thời tiết quá lạnh, nếu bắt buộc phải đi cần đeo găng tay, quàng khăn ấm, mặc áo ấm và nên sử dụng xe buýt hoặc taxi, ô tô không nên đi xe máy.

Chú ý tăng cường chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất; thực phẩm cho người cao tuổi cần nấu nhừ, dễ tiêu, phù hợp với từng tình trạng bệnh lý…

Trời rét bệnh nhân nhập viện tăng mạnh - Ảnh 4.

Bệnh nhân đến thăm khám tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện E.

Điều quan trọng nhất là cần lắng nghe cơ thể mình, tuân thủ tất cả nguyên tắc về thuốc men, dự phòng… Chính việc dự phòng sẽ cứu được bản thân, tránh được gánh nặng cho gia đình. Đặc biệt là khi cơ thể có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay.

Bên cạnh đối tượng người cao tuổi, thời tiết lạnh dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ. Nếu trẻ không được giữ ấm cơ thể, không vệ sinh mũi miệng tốt nguy cơ gây viêm đường hô hấp trên sau đó lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi, viêm phế quản là rất lớn. Do vậy cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là phải giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Khi vệ sinh tắm giặt cho trẻ phải có đèn sưởi, nước đủ ấm, tránh trường hợp để trẻ mải vui chơi bị nhiễm lạnh. Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên, việc vệ sinh đường thở giúp đường hô hấp của trẻ luôn sạch, tránh hiện tượng khô, lạnh, dễ bị tổn thương.. và đặc biệt cần chú trọng dinh dưỡng cho trẻ. 

Đề phòng bệnh đường hô hấp dễ mắc khi trời rétĐề phòng bệnh đường hô hấp dễ mắc khi trời rét

SKĐS - Hệ hô hấp tiếp xúc trực tiếp với môi trường do vậy chịu tác động của các hình thái khí hậu. Thời tiết đang lạnh và nhiệt độ, độ ẩm không ổn định là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển và gây bệnh. Dưới đây là những bệnh hô hấp dễ mắc trong mùa đông xuân, mọi người cần chủ động phòng ngừa.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn