Trời nồm ẩm, cần chú ý điều này khi ăn các loại hạt để tránh bị ngộ độc nguy hiểm

09-02-2023 09:02 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Xu hướng ăn vặt bằng các loại hạt đang ngày càng phổ biến vì đây là thực phẩm được coi là lành mạnh tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn các loại hạt không được bảo quản đúng cách hay để lâu ngày rất dễ sinh nấm mốc gây ngộ độc nguy hiểm.

1. Các loại hạt rất tốt cho sức khỏe

Các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ, hướng dương, mắc ca, hạt lạc, óc chó…) là một trong những món ăn vặt lành mạnh tốt cho sức khỏe vì chúng chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo lành mạnh và rất ít carbohydrate.

Sự kết hợp của chất béo lành mạnh, protein và chất xơ trong các loại hạt làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết, do đó rất tốt cho người bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì.

Ăn các loại hạt sẽ làm cho cơ thể có cảm giác no lâu, vì thế sẽ hạn chế được việc ăn vặt thường xuyên. Ngay cả khi ăn những bữa ăn nhẹ, với việc sử dụng các loại hạt hoặc một số đồ ăn lành mạnh khác sẽ hạn chế với những đồ ăn vặt có hại cho sức khỏe như: thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn vốn chứa nhiều muối, đường, phụ gia và chất béo bão hòa.

Đừng tiếc rẻ các loại hạt để lâu, ăn vào có thể bị ngộ độc nguy hiểm - Ảnh 2.

Các loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy, những người ăn các loại hạt có xu hướng khỏe mạnh hơn và có ít nguy cơ mắc bệnh hơn. Hàm lượng chất béo lành mạnh trong các loại hạt có thể giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Chất béo không bão hòa bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, là những loại chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch.

Chất béo không bão hòa đơn có mặt trong nhiều loại hạt như: hạnh nhân, hạt điều, hồ đào, đậu phộng… Chất béo không bão hòa đa có trong các loại quả và hạt như hạt lanh, quả óc chó...

Các loại hạt cũng chứa nhiều vitamin E và magiê. Đặc biệt là magiê, một khoáng chất giúp điều chỉnh khả năng insulin hấp thụ glucose từ máu để hỗ trợ giảm lượng đường trong máu. Do đó có lợi đối với người bệnh đái tháo đường.

2. Các loại hạt dễ sinh nấm mốc gây ngộ độc nguy hiểm

Các loại hạt trên thị trường thường được rang, sấy khô chế biến sẵn. Các nhà sản xuất thường thêm một số gia vị như đường, muối, bơ… để làm tăng hương vị cho sản phẩm.

Tuy nhiên, người sử dụng cần chú ý nếu các loại hạt không được bảo quản đúng cách trong thời tiết nồm ẩm hoặc để lâu rất dễ đã sản sinh độc tố aflatoxin, một loại nấm mốc có trong thực phẩm của con người và thức ăn gia súc. Loại nấm mốc này là độc tố tích lũy dần theo thời gian trong cơ thể khi chúng ta ăn phải thức ăn nhiễm phải nó.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong các loại lương thực, thực phẩm bị nhiễm nấm mốc thì các loại hạt bị mốc được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là lạc. Thủ phạm làm các loại hạt bị mốc là một loài nấm mốc nguy hiểm có tên là Aspergillus flavus. Nấm này tiết ra độc tố Alfatoxin cực kỳ nguy hiểm.

Độc tố Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất, không những thế nó còn có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Đừng tiếc rẻ các loại hạt để lâu, ăn vào có thể bị ngộ độc nguy hiểm - Ảnh 4.

Nấm mốc Aspergillus Flavus.

Do vậy, để sử dụng các loại hạt một cách an toàn, chúng ta không nên sử dụng các loại hạt đã quá hạn sử dụng hay không được bảo quản đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất (như tránh để nơi ở nơi có môi trường ẩm ướt, cất trong hộp kín hoặc túi hút chân không, không để cạnh nhiệt có nhiệt độ cao, thời hạn sử dụng sau khi mở bao bì sản phẩm…).

Trong trường hợp phát hiện thấy màu sắc, mùi vị của sản phẩm có biểu hiện bất thường (so với đặc trưng của thực phẩm), cần kiên quyết vứt bỏ, không nên tiếc rẻ tiếp tục ăn vào có thể bị ngộ độc.

Khi ăn thực phẩm mà có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy… cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Lưu ý giữ lại thực phẩm đã ăn còn thừa hay chất nôn, phân, nước tiểu… để có thể xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

10 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nhất ai cũng nên biết để chủ động phòng tránh10 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nhất ai cũng nên biết để chủ động phòng tránh

SKĐS - Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra khi chúng ta ăn phải thực phẩm có chứa độc tố, hóa chất hoặc tác nhân lây nhiễm như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng… Nếu không được sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vậy những thực phẩm nào dễ gây ngộ độc nhất?

Xem thêm video đang được quan tâm

Đồ ăn nhanh ảnh hưởng tới thận như thế nào? | SKĐS



Kim Ngân
Ý kiến của bạn