Trời nắng nóng trẻ dễ mắc bệnh viêm não virus

29-05-2015 08:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ Y tế, viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây ra, trong đó có 8 - 10% các trường hợp mắc là do virus viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.

 

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh viêm não virus, để chủ động phòng, chống căn bệnh này, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành tăng cường chủ động phòng chống bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây ra, trong đó có 8 - 10% các trường hợp mắc là do vi rút viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.

Giám sát chặt chẽ, hạn chế tử vong do viêm não virus

Thực tế, tại một số bệnh viện đã xuất hiện những ca mắc viêm não virus và viêm não Nhật Bản trong thời gian qua. Chính vì sự nguy hiểm của căn bệnh này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não virus trong đó có viêm não Nhật Bản, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời phòng chống lây chéo trong các cơ sở điều trị.

Thăm khám cho trẻ mắc viêm não tại BV Nhi đồng 1 Ảnh Internet

Thăm khám cho trẻ mắc viêm não tại BV Nhi đồng 1 Ảnh Internet

Đồng thời, chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả. Khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng, di chứng.Tổ chức đợt truyền thông trên các phương tiên thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản để các bà mẹ biết cách chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường hạn chế nguồn lây truyền; vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản theo lịch tiêm chủng; khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng, di chứng.

Tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu và điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh chủ động tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm não virus, viêm não Nhật Bản, đặc biệt là công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Dấu hiệu của bệnh viêm não virus

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...

Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), vi rus herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ,...

Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi rus ở nước ta.

Trong số các chủng virus này, một số chủng vi rút gây bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.

Cách phòng bệnh viêm não do virus

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ

Đối với virus đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.

- Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

 

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn