Tự ý mua thuốc điều trị nhiều trẻ biến chứng nặng phải thở máy
Thời gian gần đây, do nắng nóng bất thường nên số bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng cao, trong đó các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm phổi, bệnh tiêu chảy chiếm số lượng lớn. Điều đáng nói là trong số bệnh nhi đến viện nhiều trẻ trong tình trạng nặng do người nhà tự ý mua thuốc về nhà điều trị không đỡ và bị biến chứng.
Cháu N.T.H (2 tháng tuổi, ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) vào khoa hô hấp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng. Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhi thở ôxy và điều trị tích cực.
Qua khai thác bệnh sử, Chị N.T.Q mẹ cháu H cho biết, trước lúc vào viện 3 ngày, cháu có các triệu chứng ho, biếng ăn, khó thở, gia đình có mua thuốc cho cháu uống nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên đã đưa vào bệnh biện Sản Nhi Nghệ An khám. "Sau khi các bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải thở ôxy và tiêm kháng sinh, chúng tôi rất lo lắng và ân hận vì đã tự ý điều trị. Cũng may được các bác sĩ điều trị tích cực nên cháu cũng đỡ nhiều rồi". Chị N.T.Q nói.
Một trường hợp khác là bệnh nhi N.D.H.N. (gần 1 tuổi, ở TP Vinh) vào viện trong tình trạng sốt, ho, khò khè khó thở. Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, ở nhà cháu có hôm sốt, gia đình tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho cháu uống, sau 3 ngày uống thuốc không đỡ nên đưa N vào viện để khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp, viêm phổi... Bé được chỉ định thở ôxy, thở khí dung...
TS. BS Bùi Anh Sơn - Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, điều kiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, một vấn đề nữa là sử dụng quạt, điều hòa không hợp lý dẫn đến sốc nhiệt,.... đây là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về đường hô hấp phải nhập viện điều trị gia tăng. Đáng nói là, có không ít bệnh nhi nhập viện trong tình trang nặng, nguyên nhân do gia đình tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà không đỡ, khi bệnh trở nặng mới đưa vào viện.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày khoa Hô hấp tiếp nhận từ 25-35 bệnh nhi mắc các bệnh như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản... tăng 15-20% so với cùng kỳ. Thời điểm trưa ngày 4/4, khoa Hô hấp đang điều trị cho khoảng 130 bệnh nhân.
Còn tại khoa Tiêu hóa - Máu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thời điểm hiện tại có 110 bệnh nhân đang điều trị các bệnh về đường tiêu hoá....trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhi mắc các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá... công suất sử dụng giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Khôi, Trưởng khoa Tiêu hóa - máu Bệnh viện Sản Nghi Nghệ An cho biết, điều kiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển, nên thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao so với cùng kỳ. Do đó, khoa chúng tôi phải bố trí thêm giường, quạt mát... để bệnh nhân có điều kiện điều trị tốt nhất. Các bệnh nhân ổn định chúng tôi cho xuất viện tránh bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bác sĩ mách bạn cách phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng
TS. BS Bùi Anh Sơn - Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trẻ em dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm bởi sức đề kháng của trẻ còn kém, nên dễ bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay. Do hệ miễn dịch và tỉ lệ lượng nước trong cơ thể của trẻ khác với người lớn, nên khi thời tiết nắng nóng làm cho trẻ thích nghi kém hơn và dễ ra nhiều mồ hôi. Điều này dẫn đến tình trạng vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh.
Để phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè, nắng nóng phụ huynh cần chú ý đến thực hiện an toàn vệ sinh trong chế biến thực phẩm, nhằm tránh ngộ độc cho trẻ. Ngoài ra, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong mùa nắng sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
Cần cho trẻ ăn uống và bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây; khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga...
Tập trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay trẻ.
Mùa nóng nhiệt độ môi trường bên ngoài luôn tăng cao, nhiều gia đình cho trẻ vui chơi sinh hoạt trong phòng máy lạnh. Tuy nhiên, nếu ở trong phòng máy lạnh cả ngày, nhiệt độ phòng quá thấp so với ngoài trời, sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Việc ngồi cả ngày ở phòng máy lạnh trong thời gian kéo dài (thường trên 4 tiếng), và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp. Trong đó hay gặp nhất là trẻ dễ bị viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết...; Trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi...
Cũng theo TS.Sơn, nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8 - 10 độ C, hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C là hợp lý.
'Tránh tiếp xúc với người đang bị ốm sốt. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, vì điều này sẽ khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn và gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho trẻ về sau này', TS.BS Bùi Anh Sơn khuyến cáo.