12h trưa 23/5, cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiển thị AQI mức 101-150, tương đương mức kém. Trong đó, 4 trạm mức kém nhất gồm: Hàng Mã (Hoàn Kiếm), Trung Yên, Trung Hoà (Cầu Giấy) và Sóc Sơn.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại Việt Nam ), 12h trưa nay, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội chủ yếu ở mức 151 - 200, mức không lành mạnh, cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe tới mọi người. Nơi có chất lượng không khí kém nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với AQI là 167, cảnh báo có hại sức khỏe, khuyến cáo người dân không chạy bộ, đạp xe, bơi lội, làm vườn, vui chơi ngoài trời.
Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ tư thế giới với chỉ số AQI trung bình 156, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 167. Đây là mức không khí ô nhiễm cao nhất trong tuần này.
Cảnh báo khu vực Hà Nội sắp mưa rất to
Qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu vẫn tiếp tục tồn tại ở các huyện phía nam thành phố như Mỹ Đức, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì. Vùng mây sẽ tiếp tục mở rộng lên phía bắc.
Trong khoảng từ nay đến 3 giờ tới khu vực các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa sẽ có mưa, mưa rào và có thể có dông. Vùng mưa dông còn có khả năng lan sang quận, huyện khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội cao gấp 12,4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP đang là vấn đề cấp bách. Theo đó, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.
Đáng chú ý, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. PM2.5 trung bình năm của TP, giai đoạn 2017 - 2020, đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của WHO. Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ rõ, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất với tỉ lệ lên tới 58% - 74%.
Theo kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, thành phố đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm ít nhất 75% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI.
Hiện Hà Nội đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội cũng triển khai các chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 23/5.