Theo BS. Nguyễn Thông Tuyết - Nguyên Phó Giám đốc BV Quân y 354, khi thời tiết lạnh, những người có bệnh viêm loét dạ dày thường thấy đau nhiều hơn. Một số lý do dẫn đến hiện tượng này là:
- Khi thời tiết lạnh, máu có xu hướng chuyển ra ngoại vi để giữ ấm cơ thể và dồn về tim, phổi. Thông thường, khi ăn, máu sẽ dồn về dạ dày cho việc tiêu hóa thức ăn. Nếu khi đó máu rút khỏi dạ dày sẽ làm chậm lại quá trình tiêu hóa, gây ứ đọng thức ăn và dịch vị, tạo điều kiện cho viêm dạ dày, tăng nặng tình trạng loét dạ dày, gây đau dạ dày.
- Sự giảm nhiệt độ bên ngoài cũng làm gia tăng lượng histamin trong máu, khiến dạ dày bài tiết nhiều dịch vị và co bóp mạnh hơn, ảnh hưởng lớn tới những người đã có tiền sử viêm loét dạ dày.
- Ngoài ra khi trời lạnh, nhiều người có xu hướng thích ăn các món cay, nóng như lẩu chua cay hoặc uống rượu, hút thuốc lá..., đây đều là các tác nhân kích thích khiến bệnh dạ dày trở nên nặng hơn.
Để cải thiện và ngăn ngừa căn bệnh này thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây là những điều người bệnh viêm loét dạ dày cần nhớ trong ăn uống để phòng tránh những cơn đau khó chịu.
1. Làm gì khi có dấu hiệu đau dạ dày?
Theo các chuyên gia tiêu hóa, viêm loét dạ dày là những tổn thương viêm nhiễm, phù nề, xung huyết có tính chất cấp tính của lớp niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày cấp có thể chỉ dừng ở mức tổn thương viêm của lớp niêm mạc dạ dày nhưng cũng có thể tiến triển sâu hơn thành những ổ loét hoặc gây biến chứng xuất huyết dạ dày.
Biểu hiện của viêm dạ dày cấp có thể đột ngột hoặc từ từ với mức độ nặng dần lên với các triệu chứng như: người bệnh cảm thấy đầy bụng, căng tức, nóng rát, đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, có trường hợp đau dữ dội. Kèm theo có thể có triệu chứng nôn, buồn nôn, tiêu chảy…
Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như: tỏi, ớt, rượu bia… Vì vậy, để giảm cơn đau, trước hết người bệnh cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày, trong đó có các loại thức ăn có nhiều vị chua, có nhiều gia vị như ớt, tỏi, hạt tiêu; các món ăn gây khó tiêu nhiều chất béo như chiên, xào, nướng; thức ăn lạnh, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh…
Để điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định dùng thuốc phù hợp. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày bao gồm điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ sinh hoạt và ăn uống đúng cách.
2. Nguyên tắc ăn uống đối với người bệnh viêm loét dạ dày
Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP. HCM, ăn uống đúng cách sẽ giúp người bệnh viêm loét dạ dày giảm các triệu chứng đau, đầy bụng, khó tiêu, giảm tiết axit, giảm kích thích đường tiêu hoá.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng giúp phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa và cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh. Người bệnh cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Chia thành nhiều bữa
Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (5-6 bữa trong ngày). Việc chia nhỏ bữa ăn giúp giảm tải và trung hòa axit dạ dày, để dạ dày không bị căng quá gây khó chịu, gây đau và cũng không bị đói quá gây xót ruột, gây đau.
Tuy nhiên cần lưu ý đảm bảo số lượng và chất lượng dinh dưỡng. Khi hết triệu chứng đau, khó tiêu, ợ chua thì tăng dần số lượng thức ăn đến gần như bình thường.
Thức ăn phải mềm, nhừ, ít xơ
Người bệnh nên ăn thức ăn loãng, mềm, nhừ, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Nên ăn các loại củ, quả: bầu bí, mướp, khoai... Các loại rau lá, thân có nhiều xơ nên tránh. Ăn rau lá thật non, nấu chín nhừ. Không ăn các loại quả chua, trái cây họ cam quýt, dứa, chuối tiêu ...
Ăn thức ăn có tính kiềm để trung hòa dịch vị, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày như: sữa, trứng. Thức ăn giúp thấm hút bớt dịch vị: bột nếp, bánh mì, cơm, xôi; nghệ, gừng, mật ong...
Uống đủ nước. Không uống nước lạnh. Nên uống nước hơi âm ấm.
Ăn chậm, nhai kỹ
Ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp thức ăn được thấm kỹ men amylase trong nước bọt ngay tại miệng, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Giúp thức ăn nhuyễn mịn di chuyển trơn tru trong thực quản và dạ dày không phải nhào trộn quá sức khi đang đau. Và còn giúp dạ dày sẵn sàng phân hủy thức ăn.
Nếu bạn ăn quá nhanh và nhai không kỹ, các mảnh thức ăn còn quá lớn, còn cứng sẽ ma sát với tổn thương trong dạ dày, gây nặng thêm. Các vi khuẩn tự nhiên trong ruột có thể lên men thức ăn không tiêu và sinh sôi dẫn đến các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, có thể làm trầm trọng thêm cơn đau hoặc gây trào ngược dạ dày - thực quản.
Những thực phẩm cần tránh
- Thức ăn nhiều muối: cá khô, các loại mắm cá, ướp muối, dưa cà muối chua…
- Thức ăn nhiều gia vị: mẻ, giấm, tiêu, ớt...
- Thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán.
- Tránh ăn nóng, uống nóng gây tổn thương niêm mạc, không nên ăn thức ăn khi còn quá nóng.
- Không ăn thức ăn cứng như ngũ cốc thô, các loại hạt, măng khô…
- Tránh trà đặc, cà phê, rượu bia, nước có gas…
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng sản sinh nhung mao và phục hồi niêm mạc tiêu hóa như: các vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12, vitamin A,C,E, kẽm, sắt, canxi... Bổ sung lợi khuẩn đường ruột: men vi sinh, sữa chua…
Xem thêm video đang được quan tâm
Những loại thực phẩm sinh nhiệt giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh