Trời rét liên tục - Bệnh nhân đột quỵ gia tăng từ 10-20%
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trong đợt nghỉ kép dài chìm trong rét đậm vừa qua, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ. So với ngày thường, bệnh nhân đột quỵ chỉ chiếm 30 - 40 bệnh nhân trong tổng số khoảng 160 ca đến khám.
Chuyên gia cấp cứu cho biết, trời rét kéo dài là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ
“Vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ. Trong đó, có nhiều bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp”- PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết.
Mới đây, Khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận trường hợp người đàn ông đi tập thể dục buổi sáng ven Hồ Tây tầm 4h sáng nên đã bị đột quỵ. Rất may người tập thể dục sau đó đã phát hiện và gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Nhờ được phát hiện kịp thời, ông được cấp cứu qua nguy kịch- PGS. TS Mai Duy Tôn- bác sĩ Khoa Cấp cứu cho biết.
Theo PGS Tôn, tập thể dục là một thói quen tốt cho sức khoẻ, nhưng người dân cũng cần lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp để không gây tác dụng ngược cho sức khoẻ.
Như trong những ngày giá rét này, người dân không nên dậy sớm, ra ngoài đi bộ từ 4 - 5 giờ sáng. Hãy tập muộn hơn, 8 - 9 giờ sáng hoặc 4 - 5 giờ chiều; thay đổi môi trường tập luyện, thay vì bên ngoài trời có thể tập trong nhà kín gió. Nhất là với những người già, người có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... sẽ có nguy cơ cao đột quỵ khi tập luyện trong thời tiết giá lạnh.
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Cáp cứu- BV Bạch Mai
Chỉ 7% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến cấp cứu trong 6 giờ đầu
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 6 giờ đầu. Theo số liệu chung toàn quốc, trong năm 2016, tỉ lệ bệnh nhân đến khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5% bệnh nhân. Con số này tăng lên 2,5% trong 2017 và đến năm 2018 trong tổng số gần 7.000 bệnh nhân được điều trị, số bệnh nhân đến viện vào giờ vàng đã tăng lên 3,5%.
Riêng tại BV Bạch Mai, tỉ lệ bệnh nhân đến sớm cao hơn, khoảng 5 – 7% bệnh nhân vào điều trị trong giờ vàng.
PGS.TS Mai Duy Tôn dẫn chứng từ thực tiễn cho rằng: Đây là một tiến bộ ngoạn mục. Năm 2018 ước tính có gần 350 bệnh nhân đột quỵ vào trong giờ vàng được điều trị tái tưới máu bằng thuốc, can thiệp cơ học. Trong khi đó năm 2017 con số được can thiệp sớm chỉ khoảng 200 bệnh nhân. Đột quỵ đến vào giờ vàng, được can thiệp sớm không chỉ chi phí điều trị thấp hơn mà tỉ lệ di chứng cũng thấp đi. Còn sau giờ vàng, hậu quả rất tồi tệ, chi phí tốn kém.
Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn bày tỏ đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do những suy nghĩ sai lầm.
“Rất nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu. Lúc đó, xe ô tô hoạt động, chứ bệnh nhân có hoạt động đâu?!”- PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói
Người đàn ông 46 tuổi ở Ứng Hoà- Hà Nội bị đột quỵ vừa được chuyển đến Khoa Cấp cứu
3 dấu hiệu không thể bỏ qua của đột quỵ
Theo các bác sĩ, khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu: nói ngọng, liệt mặt (méo miệng), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột…, hãy yêu cầu người bệnh "CƯỜI – NÓI – CHÀO" rồi quan sát.
Những đối tượng nào có nguy cơ cao đột quỵ?
Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ là người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Các dấu hiệu của bệnh thường là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, các biểu hiện chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.
Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung nhằm tránh nghẹt đường thở. Các bác sĩ lưu ý người dân tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Không tự ý dùng thuốc huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 180/100mmHg (không dùng thuốc hạ huyết áp dạng nhỏ dưới lưỡi)