Trời lạnh dần, gia tăng ca mắc cúm và biến chứng ở trẻ

24-12-2020 09:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, 2 tháng qua trung tâm ghi nhận tới 820 ca nhập viện vì cúm. Riêng trong tháng 11, con số này lên tới gần 500 ca. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm.

Gia tăng trẻ mắc cúm A

TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, những ngày miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, trẻ mắc cúm A vào viện nhiều, trong đó có những bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm não. Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong bệnh viện. Tại một số phòng bệnh, nhiều trẻ nhỏ khoảng 2 tháng tuổi, lớn khoảng 9-10 tuổi, nằm li bì.

Bé H.T.V. (9 tuổi ở huyện Tiền Hải, Thái Bình) hết sốt từ ngày 13/12 nhưng gương mặt vẫn còn mệt mỏi. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, thi thoảng co giật. Xét nghiệm cho thấy V. nhiễm virus cúm A.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi nhập viện với đầy đủ biểu hiện của cúm A gây biến chứng lên não. Những ngày đầu điều trị, V. không ngồi dậy được, nhận thức cũng kém. Sau vài ngày được điều trị tích cực, hiện V. đã có thể đi lại dù chưa thực sự khỏe mạnh.

Cách đó một phòng, chị H. đang chăm con 2 tháng tuổi mắc cúm A. Chị H. cho biết, con gái lớn 5 tuổi nhà chị đi học mẫu giáo về ho, sổ mũi, sau đó đến bé thứ 2 bị bệnh nhưng nặng hơn nên phải nhập viện. Ở nhà, chồng chị trông con gái lớn cũng đã lây cúm từ con.

Điều trị cho trẻ mắc cúm tại BV Nhi TW.

Điều trị cho trẻ mắc cúm tại BV Nhi TW.

Không tự ý mua thuốc tamiflu cho trẻ uống

Theo các bác sĩ, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho... Chủng cúm hay gặp nhất là cúm A và B, thường có thể tự khỏi sau 2-7 ngày. Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh cúm dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng...

Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng sang viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, đau bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa cúm, nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm. Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dịch có dương tính. Hiện nay, trung tâm còn vài bệnh nhân đang đợi kết quả xét nghiệm xem có bị biến chứng viêm não không. Tuy nhiên, những ca bệnh này đều có biểu hiện của viêm não như trẻ phản ứng chậm chạp, sốt cao, lơ mơ, li bì…

TS. Hải dự báo, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông - xuân, nên số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Những trẻ có bệnh cảnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mạn tính kéo dài, tim bẩm sinh... khi có thêm bệnh cúm biểu hiện bệnh nặng lên rất nhiều.

Liên quan đến bệnh cúm A, hiện nay nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc cúm về điều trị cho con, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus, nên sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn virus trong đường hô hấp. Trong điều trị cúm, tamiflu (chứa hoạt chất oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Cách nào để phòng bệnh cúm?

Để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang. Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.

Bác sĩ khuyến cáo, khi mắc cúm, nên cho trẻ đi khám ,chủ yếu chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng. Nếu thấy trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cần đưa đến bệnh viện.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn