Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (đợt 15). Danh hiệu này nhằm ghi nhận giá trị văn hóa, lịch sử mà Trò Xuân Phả có được. Đến nay, trải qua hàng trăm năm, Trò Xuân Phả vẫn được người dân địa phương gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gắn liền với lịch sử, nhiều giá trị độc đáo
Người viết bài này từng gặp nghệ nhân Bùi Văn Hùng - Trưởng nhóm nghệ nhân Trò Xuân Phả tại địa phương và được ông Hùng kể về sự ra đời, phát triển của Trò Xuân Phả. Theo nghệ nhân Hùng, vào thời nhà Đinh, giặc quấy nhiễu nước ta, vua đã cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách tính và hiền tài. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì gặp giông tố nên phải dừng lại. Đêm ngủ sứ giả được thần Thành Hoàng làng báo mộng cách tiêu diệt đánh giặc. Sứ giả về tâu vua, quả nhiên thắng trận, lập tức vua ban thưởng những điệu múa hát hay nhất cho làng. Đó là các điệu: Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần (còn gọi là Lục Hồn Nhung).
Một điệu múa trong Trò Xuân Phả.
Nhiều năm gắn bó và trăn trở với những điệu múa trong Trò Xuân Phả, ông Hùng cho biết, sự đặc biệt ở Trò Xuân Phả là các “vũ công” nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Trong năm điệu múa của Trò Xuân Phả, có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần. Cũng vì yếu tố này mà nhiều người cho rằng, Trò Xuân Phả có nét tương đồng với điệu Cheoyongmu (múa mặt nạ) của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trò Xuân Phả lại mang tính dân gian Việt Nam rõ nét. Đặc biệt, trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa chỉ ngậm mặt nạ nửa mặt bởi một chốt gỗ vào miệng. Trò Ai Lao có voi, hổ, chúa tể, người hầu và mười quân đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân quấn xà cạp, tay cầm xênh tre. Chúa Lào (đội mũ cánh chuồn, áo thụng xanh chàm), hai bên có lính bảo vệ (mười quân). Cả đoàn đi trong tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu hiện sức mạnh các chàng trai đi săn đầy sức mạnh nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Đối với Trò Ngô Quốc sẽ có hai vị tiên, ông chúa và mười quân trang phục nón lính, áo màu xanh lam, tay cầm mái chèo. Mở đầu có người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho hai nàng tiên và đoàn quân đi ra. Đoàn này múa quạt và khăn, tiếp đó múa mái chèo...
Có thể nói, Trò Xuân Phả là một trong những di sản văn hóa phi vật thể hiếm của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. Một số nhà nghiên cứu văn hóa ở nước ta nhận định, Trò Xuân Phả có những nét khá giống một “lễ hội hóa trang” của người phương Tây, tuy nhiên Trò Xuân Phả lại mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa. Với những điệu múa độc đáo, có sự pha trộn yếu tố cung đình và dân gian mang đầy tính chất ước lệ nhưng Trò Xuân Phả cũng rất huyền bí, lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc nói chung, của người nông dân nơi nó được sinh ra nói riêng.
Trao truyền và lan tỏa
Từ nhiều năm qua, vào ngày 10 và 11/2 Âm lịch hàng năm, người dân ở xã Xuân Trường và các vùng lân cận lại đổ về khu vực chùa Tạu (xã Xuân Trường) để xem những “nghệ nhân nông dân” diễn Trò Xuân Phả trong lễ hội cùng tên nhằm tôn vinh và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông đã để lại. Mỗi dịp như thế, xã Xuân Trường lại tưng bừng và náo nhiệt đúng với không khí của một ngày hội. Để rồi qua những lần tổ chức thường niên như thế, hiện nay ở xã Xuân Trường ai ai cũng biết múa Trò Xuân Phả.
Theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng, Trò Xuân Phả được trao truyền bằng việc các cụ cao niên dạy lại người trung niên và từ bậc trung niên chuyển giao tới các bạn thanh thiếu niên, thiếu nhi và các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, những người như nghệ nhân Hùng luôn phổ biến ý nghĩa của Trò Xuân Phả đến tất cả mọi người, đó là bản sắc, là giá trị văn hóa mà không dễ gì nơi nào có được, các thế hệ phải cố gắng giữ lấy.
Không chỉ gìn giữ khu biệt ở địa phương, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, dưới sự quan tâm của chính quyền sở tại, Trò Xuân Phả đã được “thoát ly” để góp mặt trong nhiều sự kiện văn hóa - xã hội lớn của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Những sự kiện lớn như: Chào Thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế 2004, 100 năm Sầm Sơn huyền thoại, Lễ hội truyền thống Lam Kinh (ngày 21 và 22/8 âm lịch hàng năm - PV)... Trò Xuân Phả luôn hiện diện như một phần không thể thiếu. Lần gần nhất, trong sự kiện thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, trong các tiết mục văn hóa nghệ thuật của ngày lễ đón mừng, Trò Xuân Phả cũng vinh dự được chọn biểu diễn. Qua những lần xuất hiện ấy, Trò Xuân Phả đã đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, tranh thủ được thời cơ để quảng bá nét văn hóa đặc sắc của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung đến với cộng đồng.