Trò thôn, thầy làng và cuộc hồi sinh kỳ lạ

14-09-2014 15:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hotgirl Vũ Thị Trang đã làm nên lịch sử khi trở thành tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào tới vòng 3, tương ứng với top 16 tại giải vô địch thế giới

Tài năng 22 tuổi, cũng được ví như một hotgirl VĐV Vũ Thị Trang đã làm nên lịch sử khi trở thành tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào tới vòng 3, tương ứng với top 16 tại giải vô địch thế giới. Với số điểm tích lũy “khủng” lên tới 4.800 có được từ đó, Vũ Thị Trang vừa thẳng tiến tới vị trí thứ 83 trên bảng xếp hạng thế giới. Hoa khôi cầu lông quê Bắc Giang đang được kỳ vọng có thể sớm tiếp bước và thay thế vị thế trên đỉnh cao quốc tế của người bạn trai thân thiết - Nguyễn Tiến Minh.

Đi ra từ thôn cùng ông thầy làng

Nếu tính những tay vợt thành danh không chỉ tại Việt Nam và cả trên thế giới, có lẽ Vũ Thị Trang là trường hợp kỳ lạ nhất và gần như khó lý giải rành rẽ theo những mô hình thông thường. Người đẹp sinh năm 1992 quê Bắc Giang không hề được phát hiện, đào tạo ở một “lò” chính danh, bởi một HLV giỏi. Người thầy đầu tiên của chị, thậm chí dẫn dắt suốt trong hai năm đầu là một HLV hoàn toàn tay ngang và nghiệp dư, ông Phạm Văn Vũ - một cựu chiến binh mê cầu lông, tự mở sân tại nhà. Năm 7 tuổi, Trang được bố đưa đến “lò” tại gia của ông thầy đặc biệt ở thôn Cầu Chinh, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang. Cứ chiều chiều, trên mảnh sân nhỏ, với lưới tự căng, với những quả cầu và cây vợt cũ kỹ, Trang đã thu nạp các bài học đầu tiên về tình yêu và kỹ năng chơi cầu từ thầy một cách hết sức tự nhiên, tự phát và chắc chắn không hề mang tính bài bản. Sau hai năm tập luyện ở làng, Trang vượt qua cuộc tuyển chọn để gia nhập tuyến năng khiếu tỉnh. Thực tế, dấu ấn của thời kỳ cầu lông thôn hãy còn thấy rõ trong một vài nhược điểm cố hữu của chị, như sức bền thể lực, lối chơi thiếu toàn diện. Một câu hỏi thú vị đặt ra và cực khó để có đáp án, giả dụ Trang sinh ra từ “đất” cầu lông TP.HCM, liệu chị có hơn rất nhiều hay có đạt tới tầm mức như hiện giờ? Điều đặc biệt, chính từ lớp học của thầy Vũ đã đóng góp tới 5 tuyển thủ quốc gia, trong đó có chị gái Vũ Thị Yến của Trang cùng cô bạn đánh đôi gần như Nguyễn Thị Sen. Tuy nhiên, quả thật khó tìm được ai có xuất phát điểm thô sơ như vậy lại có thể vươn tới đỉnh cao như Trang.

Ngôi sao số 1 của cầu lông nữ Việt Nam Vũ Thị Trang.

Hai năm mất hút & nỗi đau bị bỏ rơi

Thật khó tin, trong sự nghiệp của mình, ngôi sao số 1 của cầu lông nữ Việt Nam từng trải qua hai năm bi kịch khi phong độ, niềm tin rớt xuống đáy và Trang từng tính đến chuyện giải nghệ sớm. Sau cột mốc quan trọng là tấm HCĐ Olympic trẻ 2010, tài năng 9X này đầy háo hức, tự tin vào một hành trình vươn cao. Tuy nhiên, chị đã sớm rơi phịch xuống đất vì sân chơi chuyên nghiệp quốc tế khác xa so với mình tưởng tượng. Chiến tích tại Olympic trẻ hãy còn quá nhỏ và việc sau đó liên tiếp bị loại ngay từ vòng đầu các giải theo kiểu... không đỡ nổi đã khiến Trang thực sự hoang mang. Trong khi đó, tay vợt con nhà nghèo cũng rơi vào tình cảnh đơn độc - không chuyên gia ngoại, không xuất ngoại tập huấn, không kinh phí hỗ trợ. Tính ra mỗi năm, Trang chỉ được dự tranh một vài giải trong màu áo của ĐTQG, còn chẳng thể mơ tới các cuộc đấu nhà nghề vốn là môi trường quyết định cho sự phát triển bởi chẳng kiếm đâu ra tiền. Càng đáng thất vọng hơn vì trước đó chị đã được hứa hẹn đủ điều: nào một suất đầu tư “khủng”, nào tìm kiếm nhà tài trợ riêng. Thậm chí, lúc chị gặp khó khăn nhất, người ta lại coi đó là cái cớ để chẳng ngó ngàng gì.

Mới ngoài 20, Trang đã cảm thấy bất lực hoàn toàn và từng tự nhủ cố gắng giữ vững vị trí ở giải quốc nội thêm vài năm để phục vụ địa phương rồi giải nghệ chuyển sang hướng mới làm HLV hay kinh doanh.

Cuộc hồi sinh ngoài sức tưởng tượng

Nhìn lại hai năm mất hút, chính Trang cũng không dám tin mình lại có thể trở lại ngoạn mục như bây giờ, giống hệt như một cuộc hồi sinh. Và phi thường ở chỗ, nó được thực hiện chỉ trong đúng 1 năm nay. Bước sang 2013, nhờ nỗ lực của Bắc Giang và gia đình, Trang được tham dự một vài giải nhà nghề, song chắc hẳn cũng chỉ là điều kiện quan trọng chứ không thể giúp chị bất ngờ bùng nổ đến vậy.

Từ chỗ chỉ mong thắng được 1 trận, Trang đã khiến giới chuyên môn phải kinh ngạc vì liên tục hạ gục được các đối thủ hơn mình tới vài chục hay cả trăm bậc để tiến rất sâu tại các giải đẳng cấp cao. Đơn cử việc lọt vào tới bán kết Singapore mở rộng và đặc biệt hơn với tứ kết Đài Loan mở rộng - một giải tầm cỡ Grand Prix Gold. Chính thành quả ấy đã tạo ra một cú “hích” thực sự, giúp chị vượt “ngưỡng” về mọi mặt. Cuối năm ngoái, Trang đã đoạt tấm huy chương SEA Games đầu tiên - huy chương đồng. Điều vô cùng may mắn khi đối thủ hạng 7 thế giới người Nhật Bản bất ngờ bỏ cuộc vì chấn thương nhưng việc lọt vào tới vòng 3, tương ứng với top 16 tại giải VĐTG mới đây với hoa khôi cầu lông cũng là kết quả xứng đáng cho cả cuộc bứt phá mãnh liệt.

Ngoài quyết tâm, ý chí và phần nào đó cái duyên vận của bản thân, nhiều người cho rằng Trang đã có thể hồi sinh ngoài sức tưởng tượng còn nhờ có... Tiến Minh. Không phải ngẫu nhiên mà 2 năm nay, hai ngôi sao này đã luôn song hành trong các chuyến tập huấn, thi đấu. Bên cạnh chỗ dựa tinh thần vững chắc, Minh còn đóng vai một ông HLV, một người đối luyện lý tưởng cho Trang mà ngay cả các tay vợt nữ thế giới cũng không dễ có được.

Thành “sao” thế giới vẫn lo thiếu tiền đi đấu giải

Sau kỳ tích lọt vào tới vòng 3 giải VĐTG, bay thẳng tới vị trí 83 đơn nữ thế giới, hiện tại, Trang đang hướng tới mục tiêu chinh phục top 50 trong năm nay. Theo đánh giá, trong những năm tới, Trang đủ sức vào top 30, thậm chí còn hơn. Vấn đề lớn nhất đối với ngôi sao này chính là khó khăn kinh phí, bởi để có thể phát huy cao nhất tài năng hiếm có, chị cần có một chuyên gia ngoại và dự tranh 10 giải quốc tế mỗi năm. Hiện tại, số kinh phí mà Trang nhận được từ ngành thể thao, địa phương, nhà tài trợ mới chỉ đáp ứng chưa được phân nửa. Trước mỗi giải, chị cùng gia đình lại phải vất vả xoay sở để có đủ tiền tham dự.

Nếu như không có được sự nhìn nhận, đầu tư xứng đáng, rất có thể cầu lông Việt Nam sẽ mất đi một ngôi sao đang ở đỉnh cao mà cũng phải cỡ hàng thập kỷ mới có được, bởi như bật mí thì tay vợt 22 tuổi đang cân nhắc giải nghệ từ 2016. 

Xuyến Chi

 


Ý kiến của bạn