Trở thành máy móc hay thành người?

20-11-2013 3:42 PM | Y tế

Tình cờ đọc được diễn đàn “Tuyên chiến với VÔ CẢM” tôi thấy khá thú vị với ý tưởng đó. Thực ra người ta chưa cần phải tuyên chiến với VÔ CẢM vội, bởi sự vô cảm nhiều khi là mơ hồ và khó nắm bắt, đôi khi lại bị nhầm thành “Vô trách nhiệm”.

Tình cờ đọc được diễn đàn “Tuyên chiến với VÔ CẢM” tôi thấy khá thú vị với ý tưởng đó. Thực ra người ta chưa cần phải tuyên chiến với VÔ CẢM vội, bởi sự vô cảm nhiều khi là mơ hồ và khó nắm bắt, đôi khi lại bị nhầm thành “Vô trách nhiệm”.

Tất cả chúng ta đều có một khái niệm chung rằng: Vô cảm là tình trạng thờ ơ với những sự việc mang tính xã hội mà đáng lẽ mình phải thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên đứng ở góc độ xã hội thì đó không phải là tội ác. Vô cảm giống như một định hướng văn hóa xã hội mà có thể chúng ta tiến đến hoặc không, tất cả phụ thuộc vào mong muốn con cháu chúng ta sẽ trở thành ai trong tương lai. 

Chúng ta đang VÔ CẢM hay VÔ TRÁCH NHIỆM?

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận ở hai môi trường khác nhau: công việc và đời thường. Đôi khi sự chuyên nghiệp trong công việc và sự thiếu trách nhiệm trong đời thường được hiểu là vô cảm. 

Dưới đây là một vài tình huống: 

Một ngày đi đến cơ quan làm việc, bạn cảm thấy mệt mỏi, mũi nghẹt, đầu đau, khuôn mặt cau có. Đồng nghiệp của bạn lập tức hỏi han, sếp của bạn nói: “Giảm bớt công việc đi, nghỉ ngơi đi”. Đó là điều thường thấy tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như ở Đức hoặc ở Nhật, trong môi trường làm việc bạn sẽ không có được những câu hỏi thăm đơn giản như vậy. Đồng nghiệp sẽ chẳng quan tâm vì bạn đã trưởng thành thì bạn phải tự lo cho sức khỏe của bạn, còn sếp thì chỉ nói: “Mai là hạn cuối của việc xyz rồi đấy”. Như thế có gọi là VÔ CẢM? 

Chúng ta đang tiến đến sự phân cực một cách mạnh mẽ hai xu hướng: Đề cao tính độc lập của cá thể hoặc đề cao tính tương trợ của tập thể. Tôi từng thấy một đứa trẻ Pháp 3 tuổi khóc, mẹ nó để mặc cho nó đứng đó và chỉ hỏi “Con muốn cái gì?” Trong khi một đứa trẻ con Việt khóc thì cả nhà sẽ náo loạn: ông lắc đồ chơi, bà nịnh, mẹ chạy đi lấy khăn còn bố thì xoa đầu vỗ về. Một đứa trẻ Pháp vì thế sẽ luôn độc lập và biết mình muốn gì, còn một đứa trẻ Việt thì dần dần ỷ lại vào tập thể và nhiều khi dẫn đến ích kỷ. 
Trở thành máy móc hay thành người? 1
Đề cao tính độc lập của cá thể hoặc đề cao tính tương trợ của tập thể? Ảnh minh họa.

Nếu như tại Đức, gặp bất kỳ một tai nạn giao thông nào mà anh không báo cảnh sát thì anh phạm luật, còn tại Việt Nam, đó là việc không liên quan gì đến anh. Như vậy nhiều khi người ta dù có lạnh lùng nhưng vẫn không đáng trách bởi người ta hiểu được trách nhiệm của một con người. Trong khi đó, việc giáo dục không đầy đủ về trách nhiệm của một công dân dẫn đến những biểu hiện mà chúng ta thường thấy tại Việt Nam: Coi các tai nạn giao thông là việc của người khác. Tuy nhiên cũng con người ấy ở Việt Nam, nếu như trong gia đình có một ai đó bị tai nạn thì cảm xúc lại trào lên và nhiều khi là khóc lóc vô tận mặc dù sự việc không có gì nghiêm trọng. 

Có cảm xúc mà thiếu trách nhiệm thì còn tệ hơn nhiều so với vô cảm mà có trách nhiệm

Nhiều ngành nghề trong cuộc sống lại không cần đến cảm xúc mà chỉ cần có tinh thần trách nhiệm. Nhiều tình huống trong đời thường cũng chỉ cần có trách nhiệm mà không cần đến cảm xúc. Trách nhiệm của một người làm công ăn lương là hoàn thành phần công việc mình được giao trước khi tính đến chuyện giúp đỡ đồng nghiệp. Trách nhiệm của một người công dân trong xã hội là phải phát hiện được những tiêu cực trước khi thể hiện cảm xúc: khó chịu, tức giận, chỉ trích, thậm chí đau lòng. Trách nhiệm của trí thức là phải biết lên tiếng, đấu tranh cho lẽ phải và bảo vệ cái mới, cái tiến bộ. Khi có trách nhiệm thì người ta sẽ không thờ ơ với những tiêu cực, xấu xa xung quanh mình. 

Tuy nhiên, nếu có trách nhiệm rồi mà làm gì cũng không có cảm xúc thì sẽ thiếu đi động lực và tính hấp dẫn, đặc biệt là trong hai ngành nghề rất cần cả hai (trách nhiệm và cảm xúc), đó là nghề Giáo và nghề Y. Một người thầy giáo có nhiều kiến thức, giảng dạy đầy đủ cho sinh viên nhưng lại khiến sinh viên phải ngủ gật trong lớp bởi ông thầy giáo này chỉ giống như một cái máy đọc bài. Ngược lại, một người thầy giáo giảng dạy say mê, nhiệt huyết, truyền đạt cả cảm xúc và đam mê của mình vào bài giảng thì sinh viên sẽ rất háo hức và cảm thấy thích thú với bài giảng. 

Tương tự như vậy, một vị bác sĩ nếu chỉ làm tròn trách nhiệm thì dừng lại ở việc khám đúng, chẩn đoán đúng, điều trị đúng. Song như vậy là chưa đủ. Nếu anh ta tỏ ra lạnh lùng với người bệnh thì sẽ không giúp cho người bệnh giải tỏa được nỗi lo lắng và đồng thời có cảm giác như đang được một cái máy khám cho mình. Ngược lại, tỏ ra ân cần, chu đáo, yêu thương thì người bệnh sẽ được xoa dịu rất nhiều nỗi đau thể xác của họ. 

Thành “MÁY MÓC” hay thành “NGƯỜI”?

Nếu như đã học được tốt hai chữ “trách nhiệm” rồi, thì việc chúng ta hướng đến vô cảm hay có cảm xúc trong hành xử hàng ngày ở nơi làm việc hay đời thường sẽ quyết định đến văn hóa chung của xã hội chúng ta, đồng thời thể hiện ý chí tiến hóa của con người. Nếu như chúng ta mong muốn được tiến hóa thành những cỗ máy, hãy lựa chọn con đường “TRÁCH NHIỆM VÔ CẢM”, như vậy sai sót sẽ rất ít khi xảy ra nhưng cuộc sống sẽ dần dần chỉ còn hai màu: trắng và đen.

Nếu như chúng ta mong muốn được tiến hóa thành NGƯỜI (thay vì CON NGƯỜI), hãy lựa chọn “TRÁCH NHIỆM CÓ CẢM XÚC”, như vậy đôi khi sai sót xảy ra, song cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp muôn màu. Lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hướng cho con cháu chúng ta sau này trở thành “máy móc” hoặc thành “người”. 

Anh Tuấn

Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH