Giải pháp miễn, giảm thuế DN, hộ kinh doanh
Ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp các khoản tiền thuế và tiền thuê đất đã được áp dụng trong năm 2020 và thời gian tiếp theo của năm 2021 thì giải pháp về giảm 30% số thuế TNDN của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội đã mang lại hiệu quả hỗ trợ tích cực và được nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Kết quả thực hiện của năm 2020, việc thực hiện Nghị quyết số 116/2020/QH14 nêu trên, số tiền thuế TNDN được giảm khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Thống kê tình hình thực hiện, đã có gần 156,3 nghìn doanh nghiệp được giảm thuế năm 2020, chiếm khoảng 57% số doanh nghiệp có lãi phải nộp thuế năm 2020.
Theo đó, tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020. Theo đánh giá sơ bộ, trên cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, việc áp dụng giải pháp trên có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đã hoàn chỉnh lại nội dung đề xuất để đảm bảo chính sách nhắm vào đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.
Cụ thể, bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch COVID-19; đồng thời, việc xác định tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 sẽ không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.
Về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, theo các Luật về thuế hiện hành đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt,...) chưa có quy định việc giảm thuế trong trường hợp đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (như dịch COVID-19). Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng đã phải chịu ảnh hưởng từ những khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Chính phủ đề xuất thay vì giảm 50% số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 thì sẽ thực hiện miễn số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 (tương đương với việc giảm 50% số thuế phải nộp của cả năm 2021 để tránh việc xử lý lại số thuế đã nộp của quý I và II rất phức tạp). Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Các đề xuất giải pháp y tế
14 Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam cũng vừa gửi kiến nghị đề xuất tới Chính phủ về chiến lược "Phòng chống dịch theo điểm" nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Ngoài các kiến nghị về giải pháp hỗ trợ kinh tế, về các giải pháp y tế, 14 hiệp hội kiến nghị trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch (PCD) cho các tổ chức/DN, đặc biệt là việc tổ chức các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp (KCN). Khuyến khích các DN nằm ngoài KCN xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để PCD cho CBCNV của mình và gia đình CBCNV của DN.
Liên quan đến việc thành lập các trạm y tế lưu động, sáng 17/9/2021, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã ra mắt trạm y tế lưu động tại doanh nghiệp. Đây là mô hình mới, đầu tiên của cả nước, tiếp nối thành công của trạm y tế lưu động tại xã, phường.
Trạm Y tế lưu động số 1 trong doanh nghiệp của Thị xã Tân Uyên, Bình Dương được trang bị đầy đủ bình oxy y tế, máy đo SpO2, test nhanh kháng nguyên, xe cấp cứu...sẵn sàng cấp cứu ban đầu cho công nhân và nhân dân xung quanh.
Theo ông Dương Chí Nam, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Bình Dương, cho biết, trạm y tế lưu động tại doanh nghiệp có nhiệm vụ, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai công tác phòng chống dịch. Hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá và khắc phục các nguy cơ theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động và đảm bảo các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Đây là trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp số 1 của địa phương và cũng là Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp đầu tiên của cả nước.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Từ điểm nóng Covid19_no logo BYT