Hà Nội

'Trợ lực' cho gần 30 triệu người dân khó khăn

24-11-2021 21:42 | Thị trường
google news

SKĐS - Triển khai nhóm chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23 (gói 26.000 tỷ đồng), đến hết ngày 19/11, toàn quốc đã có 28,07 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 28 nghìn tỷ đồng, với trên 27,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Những quyết sách kịp thời

Trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó nguồn từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm BH tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Kết quả triển khai đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động.

Trợ lực cho gần 30 triệu người dân khó khăn - Ảnh 1.

Sự hỗ trợ từ những gói an sinh xã hội là thiết thực với nhiều người dân.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này). Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Ngày 24/9/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Với kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định các quỹ BHXH, BHTN, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đóng vai trò là trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, người dân và hỗ trợ sản xuất – kinh doanh của người lao động. Chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đã giúp củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước trong bối cảnh đại dịch.

Nhiều tỉnh, thành mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến hết ngày 19/11, đã có khoảng 28,07 triệu lượt đối tượng gồm đơn vị sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng khác đã được hỗ trợ. Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền hơn 21,8 nghìn tỷ đồng với 16 triệu đối tượng.

Chính sách cũng đã hỗ trợ tiền ăn tới hơn 80.000 đối tượng F0, F1 với tổng kinh phí 431,8 tỷ đồng và 26.270 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em. Ngoài ra, 11.340 người lao động mang thai và 201.360 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động cũng đã nhận được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người.

Trợ lực cho gần 30 triệu người dân khó khăn - Ảnh 2.

Nhiều địa phương khẩn trương mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ theo Quyết định 33 của Chính phủ

Đồng thời, trên 13,64 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù tại 58/63 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết…

Bên cạnh một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Cần Thơ và Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác cũng mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, hiện có hơn 100 doanh nghiệp với khoảng 2000 lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Quyết định 33. Quyết định 33 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nới lỏng và tạo điều kiện cho người lao động được hỗ trợ trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Quyết định 33 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng hỗ trợ là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật là F0 hoặc F1 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Quyết định này cũng mở rộng hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, những người bán hàng rong, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh được hỗ trợ 1 lần duy nhất với mức 3 triệu đồng.

Cũng theo Quyết định mới, lao động chấm dứt hợp đồng chỉ cần nộp bản sao giấy tờ như hợp đồng lao động, quyết định thôi việc, không cần chứng thực hay có bản chính đi kèm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vaccine COVID-19 sẽ tiêm mỗi năm một lần như cúm? Khi nào tiêm mũi 3? | SKĐS


Minh Thu
Ý kiến của bạn