Trở lại Huế xưa

02-01-2020 16:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trở lại Huế xưa... - Câu hát năm xưa khi tôi về Huế. Cô hướng dẫn viên vận áo dài tím, tóc bỏ xõa dẫn chúng tôi đi thăm nhà Bác Hồ, đi thăm đất Thần Kinh, tôi đang còn ngơ ngẩn lần đầu tới Huế.

Em dặn tôi mua băng hát những bài hát tiêu biểu của Huế, có lời “... Em cầm trên tay, chiếc nón bài thơ, sông Hương nước chảy, thuyền trôi lững lờ...”. Thế rồi nhiều năm sau, mỗi khi nhớ Huế, tôi lại mở lại bài hát ấy và chỉ một bài ấy thôi, ứng với một người nhung nhớ. Rồi bài thơ đầu về Huế, tôi đăng trên tạp chí Sông Hương:

Quê hương thì không phải

Người tình thì cũng không

Chỉ một lần đến Huế

Cả đời ta nao lòng...

Hôm nay, khi cánh én Boing 747 của VietnamAirline chao nghiêng một vòng để hạ cánh xuống phi trường Phú Bài, lòng mình rộn ràng lên. Xao xuyến và nhớ nhung. Năm xưa, một ngày tôi về Huế, bạn thơ vui ríu rít. Chiều sông Hương, sau những chén quan hà trên đường Lê Lợi, nhà thơ Võ Quê cùng tôi và anh em văn chương Huế xuống thuyền ca Huế trong đêm sông Hương lung linh đèn và sao đêm mùa hạ. Võ Quê, trước khi lên thuyền, tặng tôi những đĩa hát ca Huế, những bài hát do Võ Quê soạn lời. Đêm ấy qua nhanh, thế rồi qua 5 năm, thế rồi xa... 15 năm trời có lẻ. Hôm nay, tôi về lại, điện hẹn Võ Quê thì anh đang ở Hàn Quốc theo lời mời hẹn của bạn văn xứ Kim chi. Bạn xưa, còn ai, mất ai, tôi điểm lại và đượm buồn. Nguyễn Trọng Tạo mất rồi - năm ngoái. Và anh cũng xa Huế lâu rồi. Văng vẳng tôi nghe câu thơ người: Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh đền đài nghiêng ngả say. Tạo với Huế là tình yêu và giai thoại và là những câu thơ đau đến xé lòng. Còn một người thơ mà tôi về Huế, câu thơ thì còn, người nay đã khuất. Nhà thơ Ngô Minh - người sinh ra như chỉ để đọc thơ lục bát. Tôi nhớ mãi, đêm ấy Cửa Lò, mùa hè 2014, gió biển ru êm êm trong khách sạn Hàng không. Trong phòng tôi, Ngô Minh uống rượu hay rượu uống Ngô Minh mà hương rượu nồng nàn? Tôi không nhớ nữa, nhưng tửu nhập ngôn xuất, người đọc thơ. Những câu thơ lục bát nghe đến xé lòng, nghe như rút ruột mà thơ:

Thôi thì gom hết khóc cười

Làm viên thuốc đắng nuốt trôi cuộc tình

Tiễn em ga xép một mình

Tiễn ta vào cõi lặng thinh ngậm ngùi

Một giọng đọc như một đời không bao giờ có lại. Ngô Minh khóc thơ về đời mình, đau đớn, thiệt thòi. Ngô Minh vừa đọc vừa khóc. Tôi, nhà thơ Nguyễn  Minh Khiêm, nhà thơ Đào Phụng ngồi im nghe người khóc lại thơ mình. Nay ta về lại Sông Hương, Ngô Minh - người thơ đã lên trời.

Trình diễn áo dài tại Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài. Ảnh: VOV

Trình diễn áo dài tại Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài. Ảnh: VOV

Một người văn, tôi về Huế phải làm lễ tạ ơn, nhưng rồi người ấy cũng về với bạn thơ Quà tặng xứ mưa trên cõi niết bàn: Nhất Lâm! Nhà văn Nhất Lâm khiêm tốn dày dạn thế, nhưng như một người lần đầu gặp bạn văn chương đất Bắc ở Cửa Lò. Người tóc trắng như mây, giọng thơ buồn như khóc. Anh ít tuổi hơn tôi nhưng nghe ra từng trải đau đời nhiều hơn tôi chăng? Khắc khổ và lâm ly. Nhất Lâm với tôi thâu đêm đọc thơ Vĩnh Mai, kể chuyện Vĩnh Mai, lâm ly như kiếm hiệp, hào sảng như anh hùng. Nhất Lâm phục Vĩnh Mai như học trò phục thầy tài hoa đối đáp, khảng khái trước quân thù. Sau này tôi mới biết, Nhất Lâm là cháu ruột Vĩnh Mai. Nhất Lâm đã có công cùng với cháu tôi là Hà Lâm Hằng (Đại học Huế) đã chuẩn bị tư liệu gửi qua bưu điện cho tôi để tôi hoàn thành bài ký Vĩnh Mai & Phương Chi, đồi thông hai mộ hay đến tận bây giờ.

Trở lại Huế xưa...” tôi muốn tìm mộ Nhất Lâm, nói câu tạ ơn người nhưng Huế rộng mênh mông, bao nhiêu là lăng mộ vua chúa, đền đài... Mộ Nhất Lâm ở đâu, nhà văn tóc bạc trắng như mây... Ngay đến tìm mộ Vĩnh Mai và Phương Chi tôi phải điện trước cho nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế 1 tuần. Anh chối từ không giúp tôi được, bận quá. Mãi giờ phút chót, anh điện tôi, hứa cùng tôi đi viếng mộ Vĩnh Mai. Hồ Đăng Thanh Ngọc phải hoãn một cuộc họp quan trọng của Hội Liên hiệp VHNT Huế, lấy xe con đưa tôi quanh co, vòng vo đường lên đồi Từ Hiếu, vội vội vàng vàng để tôi thắp nén hương tạ ơn các nhà văn trên đồi thông hai mộ thi nhân...

Trở lại Huế xưa..., nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không còn ở Huế nữa. Người bây giờ nhớ quên, không đi lại được và con gái đã đưa cả Dạ và anh Tường về thành phố Hồ Chí Minh. Còn nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch thì đang ốm vì tai biến. Tôi gọi điện, người nói không nói rõ lời. Tôi buồn mêng mang... Bạn xưa cứ vơi dần. Nếu ta còn sống trên đời, một mình thơ rượu với ai...

Năm nao, về lại Huế xưa, tôi mơ ước ra thăm cửa biển Thuận An để một lần tắm nước sông Hương nơi đất trời quần tụ... rồi mơ cách chi bơi qua phá Tam Giang để cảm hết câu ca xưa đau như xé ruột: Yêu anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang... Cầu được ước thấy, nay tôi về đêm ngủ trên phá Tam Giang, ngày tắm biển Thuận An trong xanh soi thấy cát... Phá Tam Giang mênh mông, nhìn không thấy bờ bên kia, làm sao bơi qua được. Tôi đi thuyền máy mà hàng tiếng đồng hồ không đến được cầu Thuận An. Nói gì bơi bằng sức đã sắp tàn của tôi.

Bình minh đầu tiên trên biển Thuận An, tôi nhìn mãi một con thuyền mong manh trên biển mênh mông, nhỏ như hạt bụi và như bị cõi mênh mông lúc nào cũng muốn cuốn hút chôn vùi đến tận đáy biển... Cửa biển, nơi buồn chiều hôm, nơi tận cùng của sông Hương chia tay Bến Ngự... mà tôi cuối đời mới thấy thì bạn thơ xưa đã về cõi thiên thu...

May thay, về viếng Đồi thông hai mộ, tôi đã đến thăm vãn cảnh chùa Từ Hiếu. Tôi muốn gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Qua bạn bè, tôi biết người đang ở Huế và đang dưỡng bệnh. Tôi biết, về Huế, thầy chỉ ở chùa Từ Hiếu - nơi thầy xuất gia thuở ấu thơ và cũng là người trụ trì chùa này từ thuở còn trai trẻ. Thầy Từ Đạo - trụ trì chùa Từ Hiếu, áo nâu sồng tiếp tôi vui vẻ. Thầy nói chuyện lịch thiệp, tiếng nhỏ nhẹ như thầm thì, như muốn cho những linh hồn những hoạn quan trên đồi Từ Hiếu được yên tịnh. Thầy Từ Đạo từ chối để tôi gặp thầy Thích Nhất Hạnh với lý do thầy bệnh và không dám tiếp khách cho dù tiếp nhà văn Hà Nội. Đã có 50 năm gắn bó với chùa Từ Hiếu, thầy Từ Đạo đã thành lão làng của chùa này. Xuất gia từ năm 12 tuổi, màu thiền và tiếng cầu kinh gõ mõ đã ngấm vào xương tủy thầy Từ Đạo. Lấy kinh Phật làm vui, lấy Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm tổ sư của mình..., thầy Từ Đạo còn gì vui hơn khi ở tuổi 65, thầy đã an bình nơi của Phật.

Từ biệt thầy Từ Đạo, tôi thoáng buồn khi ước nguyện gặp thầy Thích Nhất Hạnh không thành. Với tôi - một người ngoại đạo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn là một con người bí ẩn và tôi muốn khám phá. Tôi chỉ nghe, chỉ đọc và chưa thấy tận mắt một nhà sư mà chế độ Ngô Đình Diệm xưa không mặn mà lắm và thầy ra đi rồi bị cấm về nước, nhưng tăng ni phật tử Huế, những người theo đạo Phật thì lại ngưỡng mộ thầy.

Tôi đến vái trước nghĩa trang những hoạn quan cả đời phụng sự 13 triều vua nhà Nguyễn để đến bây giờ mồ hoang khí lạnh. Hoạn quan, không vợ con, không gia đình..., tôi như người mất hồn, trống vắng trước những ngôi mộ mà dần dần đã cổ, đã tàn.

Bình minh ở đầm phá Tam Giang.

Bình minh ở đầm phá Tam Giang.

Ana Mandara... Đẹp thiên thần. Mình tôi đi bộ trên cát. Một bức tường và một nghĩa trang cổ, nhưng ngôi mộ cổ. Hôm sau, tôi hỏi Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An - Đào Quang Hưng về Trấn Hải Đài... Tôi giật mình nhận ra, cách 200m, bên kia tường khu nghỉ dưỡng Resort Ana Mandara là nghĩa trang những người lính khố năm xưa trấn ải Trấn Hải Đài. Tôi nghĩ đến trận thất thủ Trấn Hải Đài hơn trăm năm về trước... Súng thần công và súng đại bác... Một sự chênh lệch quá lớn về quân sự, nghĩ lại đau đớn và hài hước... Nhưng hơn 100 năm sau, chính những nhà sử học Pháp cũng phải thừa nhận những cái chết anh hùng của những người chiến binh của Thuận An. Chốn này cần có một biển đề: “Nơi đây 1.200 chiến binh người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ cửa Thuận An cách đây hơn 100 năm”. Sẽ mở ngoặc đơn: Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chưa có tấm biển đó và bao giờ thì có? Câu hỏi tôi vu vơ trên trời Thuận An. Đào Quang Huy - Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (tuổi ngoài 40), tôi hỏi anh, bao giờ có tấm biển ấy? Anh bảo đang làm thủ tục.

Tôi về thăm nhà xưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nơi đây như một ngôi đền thiêng để ghi nhớ công trạng người lính nông dân năm xưa đã làm rạng rỡ đất Trị Thiên mà Bác Hồ đã coi người như một học trò xuất sắc.

Tôi về thăm ngôi nhà xưa của Tố Hữu, cỏ mọc lau thưa phơ phất... Sang năm - tháng 10 năm 2020 là 100 năm Tố Hữu dự án có rồi, tiền đã có rồi... Bí thư huyện Quảng Điền - Hoàng Đăng Khoa điện cho tôi: “Sắp rồi, năm 2020, sang năm anh về sẽ xong. Tôi đến nền cũ ấy, nơi ngày xưa Tố Hữu viết:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Một người con gái võng đưa trong vườn xanh những ổi... Một người già tóc bạc nằm co ro trên chiếu... Ông ốm ung thư mà tuổi đã 80... Cháu ruột Tố Hữu đấy. Cháu Tố Hữu cũng sắp quy tiên rồi... Thế kỷ XX đã trôi qua 20 năm. Sang năm, nếu tôi về Quảng Điền, nhà tưởng niệm Tố Hữu sẽ xong. Anh Hoàng Đăng Khoa - Bí thư Huyện ủy Quảng Điền nói với tôi thế... Thế hệ trẻ sẽ tôn vinh thế hệ thế kỷ XX...

Trở lại Huế xưa..., Huế không xưa khi du lịch vẫn 4 mùa. Tôi vội vội vàng vàng, chân mỏi, không đi Đại Nội được. Ngồi một nơi và du lịch ảo. Không phải là xem phim Hoàng Thành. Những thành quách, lâu đài đã biến mất từ lâu, trước màn hình 3D, tôi  thấy lại hết. Như là tôi đi trên PlayCalm trải trên Hoàng thành mấy trăm năm về trước. Kỳ thú của thời du lịch 4.0. Du lịch Huế bây giờ khác rồi. Cảm nhận đi xem thành quách... cũng khác rồi. Người ta đi cảm nhận cái thú của khách sạn sang trọng 5 sao, của đêm lung linh, của làn nước trong xanh bãi tắm Thuận An hơn là lang thang như tây ba lô. Ăn cũng khác rồi. Ăn cái lạ chứ không ăn nhiều. Và chơi lại càng khác. Cánh trẻ chơi khác kiểu. Các cô cậu chiêu đãi nhau máy bay chứ không đi xe car.

Chỉ có tôi, về Huế với người xưa trầm mặc. Mà người xưa chỉ về trong tâm tưởng. Nhưng mỗi độ xuân về, hoa mai vẫn nở vàng, hoa đào vẫn hồng phai luân hồi, như nụ nở đầu tiên. Tôi không muốn già đi khi mùa xuân trở lại.


Tùy bút Lê Tuấn Lộc
Ý kiến của bạn