Hà Nội

Trở lại giảng đường, sinh viên khổ sở tìm nhà trọ, khốn đốn vì giá điện tăng cao

17-02-2022 21:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường đại học cho sinh viên trở lại học tập trực tiếp. Điều này dẫn đến nhu cầu tìm phòng trọ của sinh viên tăng cao, nhiều nơi cháy phòng. Mấy ngày qua, không ít sinh viên khá vất vả, khổ sở tìm nơi thuê trọ.

Sáng 14/2, nhiều trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải,... đã ra thông báo cho sinh viên quay trở lại trường.

Việc trường học mở cửa trở lại đồng nghĩa với nhu cầu tìm và thuê phòng trọ của sinh viên tăng đột biến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều khu nhà trọ, chung cư mini cho thuê tại khu vực phố Chùa Láng (Q. Đống Đa), nơi tập trung và khá gần nhiều trường Đại học như Ngoại Thương, Học Viện Ngoại Giao, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Luật, Đại học Giao Thông Vận tải… đều đã kín phòng, hoặc còn phòng nhưng mức giá thuê cao.

Sinh viên khổ sở vì phòng trọ ngày mở cửa trường học trở lại - Ảnh 2.

Trước nhu cầu thuê phòng tăng đột biến, có khá nhiều biển quảng cáo "mời gọi thuê phòng" được dán trên tường tại khu vực phố Chùa Láng.

Sinh viên khổ sở vì phòng trọ ngày mở cửa trường học trở lại - Ảnh 3.

Thậm chí các tấm quảng cáo cho thuê phòng còn được dán chi chít trên thân cột điện.

Sinh viên khổ sở vì phòng trọ ngày mở cửa trường học trở lại - Ảnh 4.

Hình ảnh các sinh viên Đại học Thuỷ Lợi sang tận phố Chùa Láng để tìm nơi thuê phòng.

Và cũng từ đây, nhiều mặt tối của vấn đề này được phơi bày, đơn cử như việc môi giới cho thuê nhà trọ đăng tải các bức hình vô cùng đẹp đẽ, phòng ốc mới tinh với những tiện ích phong phú và đa dạng, tuy nhiên trên thực tế căn phòng trọ lại tồi tàn, ẩm mốc. 

Đặc biệt còn xảy ra tình trạng một số cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê phòng trọ, chung cư mini,… lợi dụng tình hình nhu cầu tìm nhà tăng đột biến để tăng giá các dịch vụ trục lợi.

Như trường hợp em M.H. sinh viên Đại Học Ngoại Thương đang gặp phải hoàn cảnh khá trớ trêu. Theo đó, khi quay trở lại trường để học trực tiếp, M.H. nhận được thông báo tiền nhà sẽ tăng lên dù trước đó đã đạt được thoả thuận về giá cả thuê phòng. Điều này khiến MH muốn "đi cũng không được mà ở cũng không xong".

M.H. cho biết: trước Tết đạt được thoả thuận thuê phóng giá 2,5 triệu/tháng nhưng sau Tết, khi quay trở lại chủ nhà trọ lại "hét" giá lên 2,8 triệu/tháng. Điều này vượt quá khả năng, nên em sẽ đi tìm chỗ ở mới.

May mắn hơn M.H. một chút, sinh viên N.T. (quê Hải Dương), năm nhất Đại học Ngoại Thương, cho biết: Dù đã gấp rút đi tìm phòng trọ ngay từ khi nhà trường thông báo quay trở lại học trực tiếp thế nhưng việc tìm căn nhà trọ phù hợp về tài chính cũng như an ninh, thuận tiện cũng khá vất vả. Nhiều chỗ thì giá quá cao và không thuận tiện. Mấy hôm trước, qua thông tin trên mạng cũng tìm được chỗ thuê trọ tại một con hẻm trong ngõ 185 phố Chùa Láng.

"Trước mắt thuê một vài tháng để ở tạm, sau này có chỗ hợp lý, thuận tiện hơn sẽ tính. Phòng rộng 18 mét vuông ở cùng một sinh viên khác, giá 2 triệu nhưng phòng cách âm kém và tiền điện quá cao, 4000 đồng/số. Mùa Đông còn đỡ chứ sang mùa Hè lo không kham nổi tiền điện. Hôm nay em phải trang bị thêm cái đệm mới mang về phòng để nằm…" – sinh viên N.T. chia sẻ.

Sinh viên khổ sở vì phòng trọ ngày mở cửa trường học trở lại - Ảnh 5.

Sinh viên N.T. đang trang bị thêm một tấm nệm mới cho mình tại khu trọ.

D.L. – sinh viên năm 3 trường Đại học Giao thông Vận tải, cũng thuê phòng tại ngõ 185 Chùa Láng, sau một thời gian dài ở quê vì học online, khi quay trở lại Hà Nội, phòng trọ vẫn giữ nguyên giá 2,5 triệu cho 1 phòng 15-18m2 so với thời điểm trước dịch.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây cũng lại là vấn đề giá tiền điện, nước,… D.L., cho biết: từ khi thuê phòng đến nay thì chủ nhà trọ tính giá điện là 4.000 VNĐ/số và 80.000 VNĐ nước/người. Cộng tất cả các chi phí từ tiền điện, tiền phòng, tiền vệ sinh, tiền điện hành lang và tiền trọ, trung bình một tháng tiền thuê phòng lên đến 4 triệu đồng - một con số không hề rẻ đối với sinh viên.

Thực tế hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đa số những người thuê trọ đều bị chủ trọ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 3.500- 4.000 đồng/kWh ngay từ những số điện đầu tiên, thậm chí cao hơn.

Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, nếu chủ nhà trọ không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì người thuê trọ được ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Giá bán điện bậc 3 hiện được quy định là 2.014 đồng/kWh.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê trọ đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện thì công ty điện lực sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Như vậy, việc người thuê nhà phải đóng tiền điện 4.000 VNĐ/kWh, thì khi đó người cho thuê nhà đang có hành vi vi phạm pháp luật về việc sử dụng điện.

Sinh viên khổ sở vì phòng trọ ngày mở cửa trường học trở lại - Ảnh 6.

Hình ảnh một trang mạng giới thiệu phòng trọ tại khu Chùa Láng (Q. Đống Đa)

Được biết, hiện nay có khá nhiều khu nhà trọ giá cả hợp lý dành cho sinh viên, nên tìm hiểu thông tin qua internet và các trang mạng xã hội. Vì trên mạng hiện có những hội nhóm chuyên chia sẻ, chỉ dẫn thông tin nhà trọ khá nhiệt tình, tuy vậy người thuê cũng cần thận trọng với những thông tin lừa đảo.

Đồng thời, theo kinh nghiệm của một cựu sinh viên từng đi thuê trọ, có kênh thông tin đáng tin cậy, đó là hỏi các anh chị sinh viên lớp trước, những người đã có kinh nghiệm trong việc tìm nhà trọ. Các bạn tân sinh viên cùng trường, cùng quê hoặc quen biết, cùng tìm nhà trọ và cùng ở khá phổ biến. Cách này giúp các bạn duy trì một quan hệ cộng đồng nhỏ, chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau và cùng chia sẻ kinh phí thuê nhà.


Thuỳ Linh
Ý kiến của bạn