Càng gần đến ngày mùng 2 tháng 9 tôi càng nhận được nhiều tin nhắn (qua comment trên blog) hỏi về tiến độ xây đền và đài tưởng niệm Đak Pơ từ các cựu chiến binh Trung đoàn 96. Những tin nhắn thấm đẫm tình yêu, trách nhiệm và tràn đầy sự tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống nơi này mấy chục năm trước, đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt và linh hồn thì vẫn lang thang đâu đó. Cái đền tưởng niệm này chính là chỗ, như các cựu chiến binh Trung đoàn 96 ao ước, để 147 linh hồn liệt sĩ của Trung đoàn trở về, làm nơi sinh hoạt, có chỗ cho người sống hương khói, làm ấm lòng liệt sĩ.
Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ và góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chiến thắng Đak Pơ (Gia Lai) là một trang vàng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nơi đây, ngày 24/6/1954, Trung đoàn 96 (E96) Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến, với quân số ít hơn 3 lần đã đánh tan Binh đoàn 100 (G100) tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Pháp thời ấy vừa được điều từ chiến trường Triều Tiên về với sự hộ tống của Tiểu đoàn khinh quân 520.
Với chiến thắng Đak Pơ, quân ta đã bẻ gãy xương sống chiến dịch Atland, tiêu hao 1.100 địch, có 500 chết tại chỗ, 600 bị thương. Bắt sống 800 binh lính, trong đó có quan năm Barroux, chỉ huy G100. Tịch thu 375 xe cơ giới, có 229 xe còn nguyên vẹn, 1 xe tăng, 18 đại bác 105 ly...
Trung đoàn 96 có 147 đồng chí hy sinh, hiện đang được vinh danh và thờ tại đây, 80 đồng chí bị thương.
Không chỉ 147 liệt sĩ của Trung đoàn 96, nơi đây còn nhiều liệt sĩ của bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân.
Và nhiều người vô danh khác.
Trước đó, không nhiều người biết tại đỉnh đèo Mang Yang này từng có một trận đánh như thế, dù ai đã học qua lịch sử cấp 3 đều được có trận đánh ấy, nhưng biết rồi... quên. Ngay rất nhiều người dân ở đây cũng không phải ai còn nhớ.
Nhưng những người lính cựu binh Trung đoàn 96, những người trực tiếp vác Bazoca, bom ba càng, lựu đạn tự tạo, cả mã tấu, súng ống thô sơ... chặn cả một binh đoàn tinh nhuệ đầy đủ vũ khí hiện đại vào cái ngày 24/6 ấy thì luôn luôn nhớ. Họ, sau trận ấy, phần lớn vẫn tiếp tục cầm súng, tiếp tục là những người lính, có người lên đến thượng tướng như Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, mới mất cách đây vài năm, rất nhiều người là đại tá, tuổi xấp xỉ 80, 90 cả rồi, nhưng vẫn đau đáu nhớ về đồng đội, vẫn đau đáu thấy mình có lỗi với đồng đội, bởi cùng ăn, cùng ở, cùng ra trận, nhưng rồi giờ mình thì còn mà đồng đội thì mãi mãi nằm đâu đó, đến giờ chưa tìm thấy hài cốt.
Nên cái ước vọng có một ngôi đền thờ các liệt sĩ ở đây nó luôn thôi thúc các bác cựu chiến binh. Năm nào cũng tổ chức những chuyến đi vào viếng đồng đội. Quả thật nhiều lúc tôi cũng không hiểu các cụ lấy đâu sức lực để thực hiện những chuyến đi như thế. Các cụ giờ ở khắp mọi miền đất nước, có cụ đi phải có người dìu, thế mà vẫn hăm hở đi. Thường tổ chức thành đoàn thì các cụ bố trí cả bác sĩ đi cùng.
Tôi vốn dĩ là người không mặn mà lắm với việc cổ vũ ủng hộ xây tượng đài tràn lan như hiện nay, bởi nhiều khi nó thái quá, tượng đài không cứ phải cao to. Mấy hôm nay, sau vụ Sơn La định xây tượng Bác thì trên mạng xuất hiện rất nhiều những ảnh chụp tượng ở các nước. Nó rất dân dã đời thường, nó nhỏ bé lẩn khuất vào tự nhiên, nó hài hòa với cảnh quan để một đứa bé đang đi với mẹ cũng có thể tách mẹ ra ôm tượng nhún nhẩy. Tượng chúng ta thì toàn tượng hoành tráng, chân tay luôn giơ thẳng đứng, mặt mũi rất nghiêm trọng, rất xa cách đời thường và xa cách người chiêm ngưỡng... Nhưng với ước muốn của các cụ, tôi hoàn toàn ủng hộ. Sự ủng hộ bắt đầu từ một bài báo.
Trần Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ, là người thường xuyên được các cụ... chất vấn, cả trực tiếp khi các cụ về viếng đồng đội, cả bằng điện thoại, bằng thư viết tay... Nhưng huyện quá nghèo, làm thế nào mà có thể có tiền tỷ để làm đền thờ...
Thế là anh nhớ đến tôi, điện thoại nhờ viết một bài báo, nhắc lại sự kiện Đak Pơ, nhắc đến nguyện vọng thiết tha của các cụ, nhắc đến 147 linh hồn liệt sĩ đang lang thang ở đỉnh đèo Mang Yang mưa gió...
Tôi đã viết bài báo ấy với tất cả sự xúc động, với cả sự ngưỡng mộ chiến công và ngưỡng mộ tình đồng đội của những người lính. 60 năm, một đời người, mà vẫn cứ đau đáu lo cho đồng đội, vẫn hàng năm vất vả dịch chuyển đến tận nơi thắp hương đồng đội, vẫn nước mắt lưng tròng khi nói chuyện với đồng đội...
Trong bộ hồ sơ xin làm đền tưởng niệm có bài báo ấy của tôi.
Anh Điền Hoàng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Gia Lai là người cầm bộ hồ sơ ấy ra gõ cửa các ngân hàng thương mại. Trong ngành, ông biết gõ vào đâu sẽ được. Và quả là ông đã gõ được.
Hệ thống các ngân hàng trong cả nước đã tài trợ để làm cụm tượng đài, đền tưởng niệm... ngay trên quả đồi mà ngày trước, các chiến binh Trung đoàn 96 đã phục kích ở đấy rồi ôm bom ba càng, lựu đạn chày... lao xuống chia cắt đội hình binh đoàn cơ giới, làm nên chiến thắng có một không hai này.
Ngày khởi công, một số cụ cựu chiến binh đại diện các vùng miền đã được mời về. Khỏi phải nói các cụ vui như thế nào? Và sau đấy là dồn dập các câu hỏi, các tin nhắn, các comment hỏi về tiến độ công việc, hỏi về tất cả mọi chuyện liên quan đến công trình. Gần 1.500 comment trong một bài báo của tôi post lên trang cá nhân đủ biết các cụ cựu chiến binh và mọi người quan tâm đến việc này thế nào?
Dự định là công trình sẽ khánh thành vào ngày 24/6 vừa rồi, đúng ngày xảy ra trận đánh 60 năm trước. Rồi lại lùi lại 27/7. Các cụ vui lắm, rộn rịp hẹn nhau để đi, bố trí cả con cháu đưa đi. Rồi có cụ lại còn báo cáo với cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu rằng thủ trưởng không đợi được đến ngày hôm nay rồi, thương thủ trưởng quá. Rồi ngày 27/7 qua trong im lặng, nhiều cụ dỗi, nhắn tin: Thôi chả chờ được nữa, chả biết tin ai nữa... Tuổi già hay... dỗi, âu cũng là việc thường tình. Vô tình tôi lại trở thành cầu nối, thành nơi cung cấp tin cho các cụ, có cụ còn bảo: Giờ chỉ còn tin mỗi... nhà báo VCH. Các cụ thông báo hàng ngày, cụ nào đau yếu, cụ nào không thể đi được nữa, cụ nào gần đất xa trời...
Giờ thì giấy mời chính thức đã được gửi tới các cụ rồi. Huyện đã có phương án rất cụ thể để đón các cụ vào dự lễ khánh thành vào dịp mùng 2 tháng 9 này, từ nhà nghỉ, xe cộ đến y tế.
Thế nên khi Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai Lê Vinh, Trưởng ban Quản lý công trình, rủ tôi xuống kiểm tra tiến độ là tôi theo ngay dù hôm ấy đã có kế hoạch khác.
Các công việc cuối cùng đang hoàn tất. Tượng làm bằng đá núi Nhồi Thanh Hóa, chở ra làng thợ đá Ninh Vân, Ninh Bình nổi tiếng thực hiện, rồi chia thớt chở vào. Thợ Huế được vời vào đắp rồng ở bậc lên xuống và đầu đao ở mái đền. Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong một lần vào thăm đã cung tiến một quả chuông đồng rất lớn. Sân đền trồng rất nhiều cây đại cổ thụ, cũng đi xin trong vùng về. Tôi xui nên trồng thêm một cây hoa ngọc lan cho thơm, chỗ này xa khu dân cư, chỉ có anh quản đền, tối tối hoa thơm dâng liệt sĩ.
Anh thủ đền có nhà sát đền. Khi tôi vào đang lúi húi lau và quét đền. Anh bảo, vợ anh mới là thủ đền, nhưng giờ toàn anh lên làm, vì phụ nữ không nên vào chỗ linh thiêng. Trước chỗ này chỉ có cái bia nên vợ anh thường lên dọn dẹp phía ngoài. Giờ có đền, anh sẽ là người đích thân hương khói và dọn dẹp trong đền. Nhìn cái cách anh nâng niu, thận trọng lau chùi, biết anh rất kính trọng các liệt sĩ. Hỏi thì té ra anh không phải cựu chiến binh, mà là công nhân nghỉ mất sức, giờ tự nguyện làm công việc này để các liệt sĩ ấm lòng.
Hơn 60 năm rồi, hôm nay các liệt sĩ có nơi thờ tự, chả cứ các bác cựu chiến binh Trung đoàn 96 mừng, mà tất cả chúng ta đều mừng. Sẽ không ai bị lãng quên, không cái gì bị lãng quên, có một câu thành ngữ nói đại ý như thế. Huống gì ở đây là những liệt sĩ, những người đã hy sinh khi còn vô cùng trẻ và cả những người không phải liệt sĩ, họ cũng mất trong ngày hôm ấy, giờ có chung nơi trú ngụ...
Bài và ảnh: Văn Công Hùng