Tình trạng “cậu nhỏ” bị vùi lấp còn gọi là lún dương vật không phải là hiếm gặp. Đây có thể là bẩm sinh do ông trời lỡ tay trong lúc tạo tác hình hài, nhưng cũng có khi là biến chứng mắc phải sau khi sửa chữa một dị tật sinh dục bẩm sinh khác. Nếu không may rơi vào một trong những trường hợp trên, phải làm sao đây?
Lún dương vật là gì?
Bình thường, lớp da bao phủ phía bên ngoài dương vật một cách đều đặn từ đỉnh cho đến gốc dương vật. Tuy nhiên, một số trẻ sinh ra, lớp da này không đồng đều mà chỉ có 1 phần nhỏ bao phủ thân dương vật, phần còn lại lẫn vào phía dưới bìu. Chính vì thế làm cho dương vật bị ẩn phía dưới lớp mỡ trước xương mu. Tình trạng này được gọi là lún dương vật hay là dương vật bị vùi lấp.
Nguyên nhân gây ra lún dương vật
Những trường hợp lún dương vật bẩm sinh có thể liên quan đến một số nguyên nhân như: Bao quy đầu (BQĐ) chưa tách hết làm cản trở dương vật vươn ra phía ngoài; Phân bố mỡ không đều, quá nhiều mỡ trước xương mu (vùng bụng dưới), thường hay gặp ở trẻ nhỏ, kể cả những trẻ không bị thừa cân; Thiếu da bao phủ quanh dương vật; Lớp cơ dartos của thân dương vật dày xơ hóa bất thường chạy từ cân Scarpa của thành bụng tới quy đầu của dương vật. Dải băng xơ này kéo thân dương vật về phía sau và da dương vật lại không được cố định tốt với cân dương vật.
Lún dương vật mắc phải thường gặp nhất ở trẻ sau phẫu thuật cắt bao quy đầu không đúng chỉ định, đây cũng chính là một trong những biến chứng phức tạp của phẫu thuật cắt BQĐ.
Khi thấy bất thường tại bộ phận sinh dục của bé, cha mẹ cần đưa bé đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa Nhi.
Dấu hiệu của lún dương vật
Thông thường, lún dương vật chỉ có thể được chẩn đoán chính xác khi trẻ được 2 tuổi. Khi đó, trẻ có thể có các dấu hiệu:
Bố mẹ sẽ cảm thấy dương vật của con mình nhỏ hơn so với các trẻ khác.
Da BQĐ có thể bị phồng lên khi trẻ đi tiểu, nước tiểu chảy theo kiểu nhỏ giọt. Việc này làm cho trẻ gặp khó khăn khi cố gắng hướng dòng nước tiểu theo ý mình khi chúng tập đi vệ sinh vào bồn cầu.
Trẻ lớn bị lún dương vật thường ở những trẻ bị béo phì, ngoài ra còn có thể có các triệu chứng: Đau khi đi tiểu hoặc khó đái, có thể bị viêm nhiễm da BQĐ; Khó khăn khi hướng dòng nước tiểu vì không cầm nắm được; Khó khăn trong vệ sinh cá nhân; Tự nhốt mình trong nhà vệ sinh vì xấu hổ.
Điều trị lún dương vật
Trong đa số các trường hợp, lún dương vật có thể tự cải thiện mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cần phẫu thuật để điều trị nguyên nhân.
Từ các nguyên nhân của lún dương vật mà các phương pháp điều trị cần theo các bước:
Giảm béo: Điều này rất quan trọng đối với các trẻ béo phì, giảm béo sẽ làm giảm lớp mỡ dưới da ở vùng trước xương mu, từ đó, dương vật sẽ có cơ hội được bộc lộ ra
Nong BQĐ: BQĐ hẹp là tác nhân kìm hãm sự phát triển của dương vật. Cần phải có phương pháp chăm sóc BQĐ đúng cách để cải thiện tình trạng này.
Ở trẻ nhỏ, bố mẹ trẻ cần nhẹ nhàng kéo BQĐ xuống hàng ngày, mỗi ngày kéo mạnh hơn một chút, đồng thời kết hợp vệ sinh phía trong cho đến khi quy đầu được bộc lộ hoàn toàn mà chỉ cần kéo nhẹ là thành công.
Với trẻ lớn, có thể kết hợp nong bao quy đầu bằng tay với bôi tại chỗ một số thuốc mỡ có tác dụng làm mềm da, chống viêm.
Khi cần thiết, bác sĩ có thể chủ động tách bao quy đầu ngay tại phòng tiểu phẫu để giúp cho quá trình nong này được nhanh hơn
Cần hết sức thận trọng khi phẫu thuật cắt BQĐ ở trẻ bị lún dương vật bởi vì BQĐ là nguyên liệu cực kì quý giá để tạo hình kéo dài dương vật khi phải phẫu thuật.
Phẫu thuật: Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi 2 biện pháp đầu tiên đã thực hiện nhưng tình trạng lún dương vật không được cải thiện. Phẫu thuật nhằm mục đích cắt đứt dải xơ co kéo dương vật, cố định lại gốc dương vật, đôi khi kết hợp với lấy bỏ tổ chức mỡ trước xương mu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Các phụ huynh hoặc không để ý nên phát hiện chậm những bất thường tại bộ phận sinh dục của con hoặc khi phát hiện ra lại thường hay nôn nóng, quá lo lắng. Đa số các trường hợp vùi lấp dương vật không cần phẫu thuật. Tùy theo từng trường hợp cụ thể khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách xử lý. Thêm nữa, lún dương vật có thể mắc phải do biến chứng khi cắt BQĐ không đúng chỉ định. Vì vậy, khi đưa trẻ đi khám và cắt bao quy đầu, nên tới các bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi.
Lún dương vật cũng như các dị tật sinh dục bẩm sinh khác nên được phát hiện và xử lý trước tuổi đi học để tránh cho trẻ bị ảnh hưởng tâm lý.