Rất nhiều lần bị thương lái Trung Quốc “điều khiển”, nhưng người nông dân ở nhiều nơi vẫn liên tục “sập bẫy” hết lượt này tới lượt khác. Bài học gần đây nhất là chuối, thanh long, tôm hùm... đã khiến nhiều gia đình mang công mắc nợ. Từ nuôi trồng, thu gom đến chăn nuôi đều bị giới thương lái xô ngả nghiêng, nhưng nhiều người vẫn chưa rút ra bài học hay phương cách gì chống đỡ...
Chỉ “béo”... trâu, bò
Mới năm ngoái, người dân xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn hồ hởi khi có thời điểm chuối tây bán được 200.000-250.000 đồng/buồng, còn chuối tiêu hồng bán được trên 100.000 đồng/buồng. Hết năm, có gia đình thu được hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Nhưng giống như những người nông dân nhiều vùng khác bị “vồ hụt”, sang năm nay, thương lái “trở mặt”. Hiện chuối bán lẻ mới được 40.000 đồng/buồng to đẹp khoảng 10 nải, loại xấu hơn khoảng 20.000 đồng/buồng. Đấy là người dân tự đem đi bán, chứ từ đầu mùa thu hoạch rộ đến giờ hiếm thấy thương lái nào tới hỏi mua buôn. Nhiều hôm chuối chín quá, một số hộ phải đem đổ cho bò ăn bớt, cho cá hay gà ăn.

Chuối dư thừa, người dân đem chất đầy kho, cho bò ăn cũng không hết.
Trung bình mỗi mẫu trồng được khoảng 700 gốc chuối, thời tiết không thuận lợi nên chỉ thu hoạch được khoảng 500 buồng chuối/mẫu. Nếu trừ đi chi phí giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công chăm sóc, tiền thuê đất thì năm nay nhiều hộ cầm chắc công cốc.
Gia đình chị N.T.T (xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thầu 30 mẫu đất trồng chuối tiêu hồng 6 năm nay. Chị cho biết, do thương lái Trung Quốc không mua, thị trường nội địa lại không tiêu thụ hết được nên có thời điểm chuối chín rụng thối đầy vườn, dân phải ăn trừ bữa, rồi đem đổ cả cho bò ăn hay bán với giá rẻ mạt. Nhiều người dân trong xã còn bán có 2.000-3.000 đồng/nải chuối mà một buồng có 5-7 nải nên tính ra được khoảng 10.000-14.000 đồng, song họ vẫn cố để bán cho hết mong có thể thu hồi được đồng vốn nào hay đồng đó.
Ông Phùng Mạnh Khuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện nay là việc người dân ồ ạt trồng, phá vỡ quy hoạch của xã. “Lúc đó chính quyền xã đã khuyến cáo không nên trồng ồ ạt. Thậm chí, có thời điểm bà con trồng nhiều quá, chính quyền xã phải cho người đào bỏ đi nhưng vẫn không ăn thua”, ông Khuyến cho biết.
Cùng chung tình cảnh với chuối là thanh long của bà con miền Nam. Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường thuộc các quận Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 7... (TP.HCM), có hàng trăm tấn thanh long từ Bình Thuận chuyển vào Sài Gòn bày bán tràn lan trên vỉa hè với giá rẻ như cho. Theo ghi nhận của chúng tôi, thanh long được chất đống có giá 10.000 đồng/4 kg, 10.000 đồng/3kg, thậm chí vào thời điểm cuối ngày có nơi bán chỉ với giá 10.000 đồng/5kg để cho nhanh hết.
Nguyên nhân cũng phần lớn là do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Năm nay thương lái bỗng trở nên “kiêu” hơn, người trồng phải xuất sang tận cửa khẩu cho họ chọn mà cũng chưa biết giá sẽ bán được là bao nhiêu. Theo Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, để tránh tình trạng này, chỉ còn cách là phải có kế hoạch sản xuất theo vùng, chấm dứt tình trạng sản xuất ồ ạt. Như vậy vừa không bị quá tải về điện, vừa điều tiết được nguồn hàng, hạn chế tình trạng bị các bạn hàng bên Pò Chài (TP. Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc) ép giá.
Bao giờ hết cám cảnh?
Bài học của nhiều hộ dân tại Lý Sơn, Quảng Ngãi, nuôi tôm hùm năm nay mới thảm hại, giảm 700.000đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Họ liên tục bị tư thương ép giá. Hiện nay, trên thị trường, tôm hùm được thu mua chia thành 3 loại: loại 1, mỗi con nặng 1kg trở lên; loại 2 từ 8 lạng đến 1kg và loại 3 từ 5 lạng đến 8 lạng. Cuối năm ngoái, khi các chủ bè nuôi tôm trên đảo xuất bán, mỗi kg tôm loại 1 và 2 có giá trên dưới 2 triệu/kg nhưng nay chỉ bán với giá hơn phân nửa nên người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Các hộ dân cho biết, giá mua không ổn định, khi lượng tôm xuất bán nhiều tư thương tìm mọi cách ép giá. Nếu người nuôi không bán thì cầm chắc lỗ vốn, nên khi đủ trọng lượng các hộ đều tranh thủ xuất bán dù biết rằng bị tư thương ép giá, nắm được điểm yếu này, tư thương càng mạnh tay ép. Thêm một ngày giữ lại tôm hùm không xuất bán cũng đồng nghĩa chi phí nuôi tăng thêm. Nhưng đó chưa phải là lo ngại lớn nhất. Giữ lại tôm hùm, người nuôi đối mặt với rủi ro vì tôm chết không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ tôm chết lên đến 15%. Còn nếu bán tôm hùm vào thời điểm này, người nuôi cầm chắc lỗ vốn. Chưa khi nào tôm hùm lại rớt giá như lúc này, 1kg tôm hùm hiện chỉ còn 1,2 - 1,3 triệu đồng, giảm đến 700.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa kể, nhiều thương lái còn chơi khăm khi cứ nhắm vào loại tôm hạng 3 để mua, trong khi bà con cố gắng giữ tôm loại 1, 2 để bán được giá. Khi tôm loại cao cấp dư thừa, họ lại tăng giá mua loại tôm nhỏ để bà con “chóng mặt”, đành bán rẻ hàng chất lượng.
Thống kê lại, khắp nơi bà con nông dân đều bị tình cảnh “đuổi theo” thương lái Trung Quốc và bị họ xoay như chong chóng. Tất cả nguyên nhân sâu xa đều bắt nguồn từ việc nhiều người dân ham lợi nhuận, đã bất chấp cảnh báo của chính quyền và gạt bỏ hết những gì đang gây dựng để đầu tư vào “hàng nóng”. Thế rồi đến khi dư thừa nguồn cung thì lại rơi vào tình cảnh bị ép giá, trong khi lúc đó thương lái lại xoay sang mặt hàng khác.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Việc chỉ cảnh báo sơ sài mà không có thêm những giải pháp quản lý hành chính, bao tiêu đầu ra cho người dân nên họ vẫn phải tự mày mò. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải có những chính sách cụ thể, quyết liệt hơn. Việc người dân liên tục bị thiệt hại theo kiểu “đầu cơ” chăn nuôi, trồng trọt này đã làm ảnh hưởng lớn tới kinh tế và thậm chí an ninh lương thực quốc gia.
Bình An