Hà Nội

Trò chuyện với “ông chống Lao”: Không ai được miễn trừ bệnh lao

21-03-2019 09:33 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Điềm đạm nhưng quyết liệt trong suy nghĩ và hành động, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương , Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia được gọi bằng cái tên “ông chống Lao” hay “Nhung Lao”. Ông đã có những phút trải lòng nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao.

Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Viết Nhung -  Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia. PGS Nhung khẳng định: “Không ai được miễn trừ bệnh lao”.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung -  Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia.

Phóng viên (PV): Xin chào PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, tôi nhớ có lần Bộ trưởng Bộ Y tế nói rằng “Có lẽ phải gọi PGS Nhung là ÔNG CHỐNG LAO, bởi ở đâu, khi nào tôi cũng thấy đồng chí tranh thủ vận động, tìm kiếm cơ hội, kêu gọi mọi người trên mạng xã hội tham gia phòng chống lao. Cá nhân ông cảm thấy thế nào với 'nick name' này?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Tôi thấy thoải mái và tự hào vì cái tên này. Đây cũng là khởi nguồn của một sự kiện chúng tôi đã tổ chức năm 2016 đó là Hội thi duyên dáng ngành lao. Hội thi làm cho chúng tôi tự hào về nghề nghiệp của mình, trân trọng sự cống hiến của những đồng nghiệp làm công tác chống lao trên phạm vi toàn quốc, tôi tự hào vì tôi được làm bác sỹ lao hay gọi là “Nhung lao” như Bộ trưởng và bạn bè tôi cũng thường gọi như vậy. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm giấc mơ của tôi là góp phần vào việc chấm dứt bệnh lao và cái tên ấy sẽ chỉ là kỷ niệm trong một thời gian không quá xa.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung (bên trái) - người còn được biết đến với cái tên "Ông chống lao".

PV: Mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 124.000 người mắc lao, 12.000 người tử vong do lao, cao hơn nhiều so với số người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu là những người chưa được phát hiện, điều đó chứng tỏ nguồn lây trong cộng đồng rất lớn khả năng thanh toán bệnh lao của chúng ta có khả thi không ? Những khó khăn thách thức là ?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Đây là một câu hỏi lớn, câu trả lời của tôi là có thể chấm dứt bệnh lao nhưng không dễ dàng. Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao, chúng ta có quyết tâm chính trị rất cao với Nghị quyết Trung ương 20 kỳ họp thứ VI khoá XII đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, Chiến lược rõ ràng.

Một trong những khó khăn đầu tiên là nguồn lực trong phòng chống lao. Mặc dù có các chính sách hỗ trợ như  phụ cấp thu hút nghề độc hại bằng 70% lương cho cán bộ trực tiếp khám chữa lao, chi trả khám chữa lao cho người có thẻ bảo hiểm y tế, … tuy nhiên không thể bù đắp đủ cho hoạt động phòng chống lao nói chung.

Chúng ta có mạng lưới y tế từ trung ương đến địa phương, hiện cả nước đã có 51 bệnh viện chuyên khoa, trong đó 48 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể áp dụng tốt tất cả các kỹ thuật can thiệp mới được WHO khuyến cáo. Hướng dẫn kỹ thuật với phác đồ chuẩn được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc từ chẩn đoán, các kỹ thuật xét nghiệm, phác đồ điều trị lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn đều được cấp thuốc miễn phí từ trung ương đến xã phường, thôn bản.

Mạng lưới nghiên cứu của Việt Nam rất mạnh với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Có những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu đã được tiến hành và hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ và được đăng tải trên những tạp chí hàng đầu thế giới, Việt Nam được WHO coi là nước đi đầu triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Thêm vào đó, sự quyết tâm của toàn hệ thống chương trình có thể lan toả rộng ra toàn xã hội vì mục tiêu rất nhân văn tránh đi cái chết cho hàng chục nghìn người mỗi năm và tránh đi nỗi lo âu của hàng trăm nghìn gia đình.

Tuy nhiên, công cuộc này còn nhiều khó khăn thách thức, khó khăn thách thức lớn nhất đó là tính bền vững, những điểm mạnh hiện nay có thể được duy trì và nâng cao trong những năm tới để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 hay không là một câu hỏi lớn, vì vậy cần thể chế hoá nghị quyết của Trung ương Đảng và Chiến lược Quốc gia của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy.

Thách thức nữa cũng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động và tích cực tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung dù ở vai trò nào như nhà quản lý, giảng dạy, điều trị ... ông luôn là người truyền cảm hứng cho những bác sĩ làm trong chuyên ngành phòng chống lao và bệnh phổi

PV: Ông đã tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề đó hay chưa thưa PGS?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Tôi đã suy nghĩ và trăn trở về điều này rất nhiều và đã đề xuất với lãnh đạo về những giải pháp cấp bách.

Làm thế nào để duy trì và phát huy những điểm mạnh của chương trình hiện nay, để nội lực của chúng ta ngày càng mạnh hơn để cuộc chiến chấm dứt bệnh lao thành công trong 10-15 năm nữa là một vấn đề rất lớn.

Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ bổ sung vấn đề phòng chống lao vào Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma tuý mại dâm;  Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược và Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030; Đề xuất Quốc hội xem xét đưa vấn đề chấm dứt bệnh lao vào Luật phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế và Uỷ ban Nhân dân 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa xây dựng mô hình tổ chức phù hợp cho đơn vị phòng chống lao tuyến tỉnh đủ mạnh để thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia.

Dù dịch vụ khám chữa lao có tốt đến đâu mà người dân không chủ động và tích cực tham gia thì cũng sẽ không thành công. Vì vậy, cần phải tấn công vào 4 hướng chính gồm truyền thông giáo dục bằng nhiều hình thức để xoá đi mặc cảm và kỳ thị về bệnh lao cho mọi người đân, có thể bắt đầu từ các cháu học sinh đến sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp … ; Xây dựng một cơ chế bảo trợ xã hội cho những người mắc lao, đảm bảo cho họ không bị ảnh hưởng bởi mắc lao;  Gỡ bỏ rào cản kinh tế để tất cả mọi người đều được tiếp cận với việc phát hiện và chữa lao cho dù trong hoàn cảnh kinh tế nào.  Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) chính là một cơ chế tài chính bền vững cho người mắc lao nghèo, hãy đừng lo lắng nếu bạn bị lao, hãy để thầy thuốc xác định bệnh lao cho bạn, nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ PASTB sẽ hỗ trợ, nếu phải nằm viện với thẻ BHYT mà cần đồng chi trả PASTB sẽ hỗ trợ.

Kêu gọi các thầy thuốc công và tư, BHYT hãy thân thiện với dịch vụ phòng chống lao, gỡ bỏ đi mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

PV: Điều trị lao tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, trong khi người mắc lao thường là người nghèo. Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã hoạt động được 1 năm nhưng như 'muối bỏ bể', dường như người dân còn rất thờ ơ với căn bệnh này? Bên cạnh đó có người còn băn khoăn liệu số tiền họ ủng hộ có đến được với bệnh nhân hay không, đây có lẽ là suy nghĩ của không ít người, ông sẽ nói gì về điều này?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Đúng, chúng ta phải thừa nhận rằng trong xã hội hiện nay nhiều giá trị bị đảo lộn, con người nghi ngờ tất cả, chúng ta chứng kiến những sự việc đau lòng và người ta không dám tin vào nhiều điều tốt đẹp đang hiện hữu. PASTB sau 1 năm hoạt động thì không gọi là “muối bỏ bể” mà là tiềm năng rất lớn, chủ yếu dựa vào các nhà hảo tâm có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Với PASTB đã làm được những điều thực sự cảm động, giúp cho những số phận éo le, đạt được đích của mình đó là chữa khỏi bệnh lao, đạt được mơ ước của mình về sự nghiệp và cuộc sống, …

Sự đắn đo về số tiền ủng hộ có đến được với người bệnh hay không là sự đắn đo thông thường, chúng tôi kêu gọi nhắn tin ủng hộ để lan toả sự tìm hiểu về bệnh lao và phòng tránh bệnh lao cho chính mỗi con người chúng ta, 18.000 đồng rất nhỏ bé, nhưng mỗi người thực hành đúng để không mắc lao, hoặc mắc lao được chữa sớm, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình và người thân là chuyện lớn. Không ai được miễn trừ bệnh lao, kể cả người giàu có, chức cao vọng trọng. Vậy thì có điều trì phải băn khoăn khi chúng tôi đang làm tất cả vì sự tốt đẹp ấy ? Quyết định là ở các bạn.

PV: Chủ đề của Việt Nam trong Ngày phòng chống lao là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, là người đi đầu trong công tác chống lao, bản thân ông sẽ có những "hành động" gì ?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Bản thân tôi có nhiều hành động của một bác sỹ lao, của người thầy giáo lao của người quản lý công tác phòng chống lao và là người lãnh đạo chuyên ngành lao trong nước cũng như quốc tế, tôi làm tất cả những điều tôi có thể từ khám chữa bệnh đến giảng dạy truyền nguồn năng lượng và cảm hứng đến học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế, vận động các ngành các cấp trong nước và quốc tế ủng hộ cho sự nghiệp chấn dứt bệnh lao ở Việt Nam. Cá nhân và gia đình tôi đóng góp vào việc xây dựng và phát triển quỹ PASTB.

PV: Xin cảm ơn ông .


Hải Yến
Ý kiến của bạn