Hà Nội

Trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa về Cá tháng Tư

02-04-2018 07:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - - Thoáng thế mà đã tháng Tư rồi. Tháng Tư lại bắt đầu từ một ngày nói dối. Ngày Cá tháng Tư…

- Bà nên hiểu rằng đó là ngày vui vẻ của Tây. Tây họ nghiêm túc quanh năm nên mới có một ngày mồng 1 tháng Tư. Ngày để đùa nghịch. Và đùa nghịch không giới hạn. Suốt bảy năm sống ở nước ngoài, ngày ấy năm nào tôi cũng bị lừa, dù mình đã có ý thức đề phòng mà vẫn không thể tránh nổi.

- Ông bảo ông bị lừa. Vậy lừa cái gì? Ai lừa? Và lừa thế nào?

- À đấy chỉ là chuyện vui thôi. Bạn bè Nga cùng học lừa tôi. Những cú lừa vô hại. Nhưng mà mệt đứt hơi. Mệt mà không cáu được.

- Ông có thể nói rõ hơn…

Đối với tôi, thực sự ngày Mồng Một Tháng Tư là ngày đau buồn. Vì đó là ngày mất của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn… (NT Trần Đăng Khoa).

Đối với tôi, thực sự ngày Mồng Một Tháng Tư là ngày đau buồn. Vì đó là ngày mất của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn… (NT Trần Đăng Khoa).

- Tôi luôn có ý thức rằng ngày mồng 1 tháng Tư là ngày nói dối. Ai nói gì cũng đừng có tin. Tôi luôn có ý thức như thế nhưng không sao tránh được. Có lần đúng sáng sớm mồng 1 tháng Tư, mới có 5 giờ, đấy là giờ người ta còn đang ngủ. Người Nga thường thức vào 8 giờ. 10 giờ bắt đầu làm việc và làm thông đến 4 giờ chiều thì nghỉ. Mới 5 giờ, cô bé Nhina Rưbacova đã đập cửa phòng tôi: “Khoa! Khoa! Xuống ngay tầng 1. Anh có điện thoại từ Việt Nam sang đấy!”. Tôi bàng hoàng. Chắc có sự cố rồi. Đã có điện thoại sang thì chắc chắn nhà có sự cố. Có thể bố hay mẹ mất. Hay là nhà làm sao? Điện thoại quốc tế rất đắt. Chỉ một phút đã mất mấy triệu rồi. Cả ký túc xá chỉ có phòng thường trực có điện thoại. Tôi bổ xuống tầng một. Không kịp đợi thang máy. Tôi chạy bộ từ tầng 4 xuống tầng một, cứ nhảy tắt qua mấy bậc thang, có lần tưởng ngã dập mặt. Nháo nhào tới nơi, bà trực tầng cười rũ rượi: “Thế mày không biết hôm nay là ngày gì à? Ngày lừa đảo. Mày hãy hôn thốc vào mặt cái con quỷ tha ma bắt ấy đi. Hôn rồi bảo: Quỷ nó hôn mày đấy!”. Tôi lại tất tả chạy bộ lên tầng 6. Mệt tưởng đứt hơi. Tôi gõ cửa phòng 604. Nhina Rưbacova không mở cửa. Tôi đẩy cửa vào. Cô bé đang trùm chăn, rên hừ hừ: “Hãy gọi… gọi bác sĩ tim mạch giúp em…gọi gọi…”. Tôi lại tất tả chạy xuống tầng một, bấm máy. Bác sĩ đưa xe cấp cứu đến mới biết đấy cũng lại là một trò đùa. Ông bác sĩ cũng chẳng giận, dù vẫn nói: “Không phải cái gì cũng đem ra đùa được!”. Đúng quá! Không phải cái gì cũng đem ra đùa! Nhưng sự thật người ta có thể đùa mọi chuyện. Hồi đó ông Tổng thống Liên Xô Gorbachop vừa ký lệnh cấm rượu. Ông rất tự tin: “Tôi cấm rượu chắc chắn người dân sẽ ủng hộ tôi, chí ít cũng là tất cả các bà. Chẳng người phụ nữ nào lại muốn trong nhà có một người chồng say rượu!”. Đúng là các bà ủng hộ thật. Nhưng ngân khố quốc gia sụt giảm nghiêm trọng vì mất một nguồn thu lớn từ rượu. Nhiều người đàn ông bị ngộ độc thực phẩm, vì họ đã pha cồn uống thay cho rượu. Xem ra thiệt hại còn lớn hơn nhiều! Liên Xô trước khi tan rã vô cùng khó khăn. Hàng hoá trống rỗng. Nhìn đâu cũng thấy xếp hàng. Có khi chỉ mua một con cá thôi cũng mất cả nửa buổi vì xếp hàng. Xếp hàng để cân cá. Xếp hàng ở quầy thanh toán trả tiền. Rồi lại xếp hàng lấy con cá ra. Ba lần xếp hàng mới mua được con cá, mà hàng nào cũng rồng rắn dài dằng dặc. Trong ngày Cá tháng Tư, trên báo Sự Thật (một tờ báo lớn tương tự như tờ Nhân Dân của ta) còn đăng một tranh vui rất tếu. Toàn cảnh là một đoàn người rồng rắn xếp hàng dài ngút ngát. Cận cảnh là hai lão già trò chuyện với nhau. Lão vừa từ trong hàng đi ra, mồ hôi rơi từng giọt như mưa: “Cậu làm gì mà cực nhọc thế”. “Xếp hàng vào Điện Kremli”. “Mua rượu à?”. “Không! Trong ấy làm gì có rượu!”. “Thế thì xếp hàng vào làm gì?. “Bắn Gorbachop!”. “Đã bắn chưa?”. “Chưa, vì ở đấy người xếp hàng đông lắm!”. Đấy, Tây thế đấy. Họ có thể mang cả Tổng thống ra đùa. Mà đùa ác. Còn những chuyện vui vui, vô thưởng vô phạt thì nhiều vô kể, đầy khắp các báo. Rất nhiều chuyện bịa đặt như thế lại được dịch sang mình, in trên báo mình lại thành chuyện nghiêm túc. Chuyện có thật. Ví như ở Ucraina, trong vùng nhiễm xạ Trernobưn, có con chuột bị biến đổi gene to đùng. Có đêm, nó còn ăn thịt một nhà khoa học. Sự thực, ở vùng nhiễm xạ, chả có con chuột nào như thế. Chỉ có những bông hoa hồng to đùng như cái bát rồi những con cá chép bóng nhỡn, không hề có một cái vảy nào.  Trông rất sợ. Gần đây, ta cũng thấy loại cá ấy xuất hiện ở Hồ Tây sau vụ cá chết hàng loạt, rồi những con ốc không có mai, chỉ lùi lũi một cục thịt, bò đi trông rất khiếp. Rồi còn chuyện có người đàn ông rất mê vợ. Vợ chết không đem chôn, để trong quan tài đôi, cất trong nhà. Đêm nào anh chồng cũng chui vào quan tài ôm vợ mới ngủ được. Đúng là chuyện kinh dị. Toàn Cá tháng Tư. Thế mà vẫn có người tin mới lạ chứ!

- Tôi cũng có đọc những chuyện ấy trên một tờ báo rất ăn khách của ta. Bây giờ nghe ông nói, tôi mới biết đấy là chuyện Cá tháng Tư. Nhưng nghe cũng vui đấy chứ. Theo ông, ta có cần ngày Cá tháng Tư không?

- Chả nên “nhập khẩu” ngày nói dối làm gì. Nếu ta có ngày Mồng Một tháng Tư thì cũng nên chuyển sang thành “Ngày Nói thật”. Ngày ấy, ta có thể nói thật tất cả mọi điều ta nghĩ mà không bị dị nghị, cũng không bị bạn bè quở trách, cáu giận. Còn đối với tôi, thực sự ngày Mồng Một tháng Tư là ngày đau buồn. Đau buồn một cách nghiêm túc. Vì đó là ngày mất của nhạc sĩ tài danh - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

- Anh Sơn đi cũng hơn chục năm rồi. Nhưng với người dân, ngày nào anh ấy cũng có mặt. Người ta vẫn hát nhạc Trịnh…

- Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài. Gần đây, truyền hình ta có đưa tin một cô gái Mỹ hát Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt. Hát rất hay. Ở Đức còn có một vị giáo sư rất mê Trịnh Công Sơn. Đó là Frank Gerke. Anh có tên Việt là Trịnh Công Long. Cũng vì yêu Trịnh Công Sơn mà có cái tên như thế. “Khi được tin anh Sơn mất, tôi đang dạy Lịch sử Việt Nam ở Đại học Bonn. Vợ tôi báo cho tôi qua điện thoại. Nhưng tôi không tin. Vì đó là Ngày Cá tháng Tư. Ai tin được cái điều vô lý như thế? Tôi điện về Việt Nam. Hoá ra anh Sơn đi thật. Thế là tôi bỏ dạy, về nhà. Tôi ốm lơ ốm lửng 1 tuần liền. Người sút đến 3 ký”. Cũng theo Frank Gerke, Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam. Mặc dù nhạc cách mạng Việt Nam rất hay, nhưng đó là nhạc hội hè, nhạc vui, nhạc cho tất cả mọi người. Hầu hết nhạc sĩ các anh đều viết cho đám đông. Một đám đông cuồng nhiệt. Người ta hát khi vui, hát ở chỗ đông người. Trịnh Công Sơn không phải không làm được những ca khúc cho các đám hội. Anh đã từng có Nối vòng tay lớn. Nhưng anh không dành nhiều tâm huyết cho những đám đông. Anh biết các nhạc sĩ khác tài hơn anh ở thể loại nhạc này. Bởi thế, hầu hết nhạc anh Sơn là nhạc chỉ dành cho một người. Đó là con người nhỏ bé yếu ớt và bất hạnh. Khi nào buồn, khi nào cô đơn đến tuyệt vọng mà không còn biết nương tựa vào đâu nữa, người ta tìm về với Trịnh. Trịnh sẽ đón họ, nâng đỡ an ủi họ. “Đừng tuyệt vọng, em ơi, đừng tuyệt vọng. Em hoàng hôn rồi em sẽ bình minh”… Nhiều người đã vịn vào giai điệu Trịnh Công Sơn mà sống. Vì thế, tôi mới bảo Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam. Tất nhiên, nếu chỉ có Trịnh Công Sơn thì âm nhạc Việt Nam cũng méo mó và ốm yếu, nhưng nếu chỉ có nhạc hùng tráng mà thiếu Trịnh Công Sơn thì nền âm nhạc các anh vẫn chưa hoàn thiện, vì nó vẫn thiếu một mảng riêng tư rất cần thiết cho đời sống con người. Nhạc Trịnh hay lắm, hay một cách thấm thía. Lời ca của anh ấy rất đẹp, đẹp như thơ… “Còn hơn thơ ấy chứ (tôi góp thêm), thậm chí có những lời ca của anh ấy bọn thi sĩ chúng tôi không viết nổi đâu”… “Nhưng cũng không nên vì thế mà lại bảo anh ấy là một nhà thơ lớn. Không biết ông thi sĩ nào nói như thế ở trên báo nhỉ? Nói thế là nói liều đấy. Ca từ của Trịnh Công Sơn chỉ đẹp khi nó nằm trong giai điệu của Trịnh thôi, tách ra khỏi âm nhạc, để nó đứng độc lập như một bài thơ thì nó đâu có phải thơ. Trịnh Công Sơn có làm thơ đâu. Anh ấy viết nhạc đấy chứ!

F. Gerke rất giỏi tiếng Việt. Anh hát chèo, hát dân ca quan họ và ca cải lương, ca bài chòi. Thật khó mà hình dung F. Gerke lại là một người Đức. Nếu cứ nhắm mắt nghe anh nói thì ta có thể lầm tưởng mình đang nhậu với một anh Hai, anh Ba nào đó của Sài Gòn. Hôm gặp tôi ở Đức, F. Gerke còn làm thơ theo giọng Bút Tre để “Chào mừng nhà thơ Trần Đăng Khoa” rồi anh hào hứng: “Yêu nhau, góp tí máu dê - Mừng anh Văn Khoả từ quê sang đầy”... Văn Khoả nghĩa là Trần Đăng Khoa đấy. Bài thơ khá dài, tôi còn nhớ đoạn kết: “Ra về hãy nhớ lời thề - Yêu nhau cứ phải máu dê phừng phừng - Em tửng tưng Tớ tửng tưng - Bố thằng nào dám lẫy lừng vào đây...”, F. Gerke cười khục khục - Tôi cứ kết hợp cụ Đồ Chiểu với thi sĩ Nguyễn Duy ông anh tôi cho có tính dân tộc. Anh Sơn bảo ở trong tôi có đến 99% là dòng máu Việt, còn Đức chỉ có 1% thôi. Tôi thì ngờ, hình như trong tôi không có đủ 1% dòng máu Đức - F. Gerke cười hô hố - Tôi sẽ phấn đấu trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Về già, tôi sẽ đưa vợ con sang Việt Nam ở. Chúng tôi sẽ mua một căn nhà lá nào đó ở một miệt vườn, rồi làm một ông già Nam Bộ. Thật đấy: “Qua ngẫm chán, sống nghĩa là xả láng - Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu - Nhà lá bung biêng che lá dừa lá mía - Nón lá qua loa nhưng nhậu phải đều đều...”.

- Thật thú vị. Xin cảm ơn ông!


SONG YẾN (ghi)
Ý kiến của bạn