Hà Nội

Trình Quốc hội chuyển nguồn hơn 5 nghìn tỷ cho 24 địa phương tiếp tục công tác phòng, chống dịch

08-01-2023 07:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Chính phủ trình Quốc hội cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã bổ sung thêm nội dung liên quan đến việc "Chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022". 

Theo đó, quyết định của Quốc hội về nội dung này sẽ được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về nội dung trên và cho biết, Chính phủ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022.

Trình xem xét chuyển nguồn hơn 5 nghìn tỷ đồng cho 24 địa phương tiếp tục công tác phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình.

Trên cơ sở tổng hợp 24/54 địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ quy định của Luật NSNN, Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022 để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác.

Thẩm tra việc chuyển nguồn kinh phí này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30, Quốc hội đã ủy quyền cho UBTVQH xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Đến nay, ngày 7/1/2023, đã hết thời hạn Quốc hội cho phép ủy quyền UBTVQH xem xét, quyết định nội dung này.

Trình xem xét chuyển nguồn hơn 5 nghìn tỷ đồng cho 24 địa phương tiếp tục công tác phòng, chống dịch - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, theo Tờ trình, 24/54 địa phương có đề xuất chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 là 5.016,674 tỷ đồng. Việc bố trí nguồn cho công tác phòng, chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,674 tỷ đồng của 24 địa phương và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên NSNN năm 2022.

Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách Trung ương thực hiện nhiệm vụ này.

Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,7 tỷ đồng của 24 địa phương và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Trình xem xét chuyển nguồn hơn 5 nghìn tỷ đồng cho 24 địa phương tiếp tục công tác phòng, chống dịch - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường – ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên họp Tổ.

Tại phiên thảo luận ở tổ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, việc bố trí nguồn cho công tác phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,674 tỷ đồng của 24 địa phương và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ NSNN năm 2022.

Trình xem xét chuyển nguồn hơn 5 nghìn tỷ đồng cho 24 địa phương tiếp tục công tác phòng, chống dịch - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Nhất trí với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là đúng luật định. Vấn đề này cũng không làm phát sinh tổng mức đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

"Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH"'Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH'

SKĐS - Giải trình các ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, hiện Bộ đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành một bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn