Ở đầu phố nơi ông thường đi dạo. Ven hồ Tây vẫn còn in dấu chân ông với những Đoản khúc thu Hà Nội hoặc trên con đường phố Nguyễn Du nơi ông đã viết Hà Nội mùa thu. Nhạc ông gắn với những con phố và ông đã hát về chúng cùng với sự trăn trở trong tâm hồn về những cuộc tình lãng mạn.
Phố cùng những nhan sắc một thuở yêu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cả một đời gắn với những con phố cùng những cô gái mà ông si mê. Trịnh Công Sơn dựa vào những con phố để trải lòng mình với những bóng hồng. Tình của ông âm thầm e lệ. Bởi thế những con phố của ông cũng rụt rè như nắng mùa đông vậy. Nếu kiểm chứng trong hơn 100 ca khúc tuyển chọn của chính ông xuất bản năm 1995 thì đã có tới 45 tình khúc ẩn chứa hình ảnh phố và những con đường. Tôi tò mò, với sự kỳ thú, đi dạo các con phố âm nhạc cùng quá khứ yêu thương mà ông gửi lại cho đời. Khi là con phố vui. Nào một phố buồn. Hoặc con phố chia xa... Lấp ló bên hàng phố là những hình bóng giai nhân mà nhạc sĩ mơ mộng. Từ đó những giai điệu cất lên, ám ảnh những khắc khoải, nỗi niềm.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung.
Đến giờ đây người của thành Huế vẫn còn nhớ tới người tình trong mộng Trịnh là Ph.Th., em gái của ca sĩ Hà Thanh, người ở cùng ban nhạc Huế. Khi đó hai người còn ở độ tuổi đôi mươi. Cho dù khi ấy Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng với ca khúc Ướt mi (1956) nhưng nàng vẫn không hề để ý. Nhưng có điều hương thơm từ nàng cứ ám ảnh Trịnh bao đêm mộng tưởng. Yêu mà nén chịu chỉ liếc trộm rồi về nhà thở dài và mơ tới hương thơm từ làn da trắng nõn tỏa lan. Không được yêu nhưng không ngờ chàng nhạc sĩ si tình kia cũng sáng tác tới 3 bài tình ca để tặng nàng. Những hình ảnh phố trong nhạc Trịnh bắt đầu hiện lên từ đây. Nếu trong ca khúc Nắng thủy tinh lấp lánh con đường chồng mờ: “Em qua công viên mắt em ngây tròn” và “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”; Thì, với ca khúc Nhìn những mùa thu đi, nhạc sĩ đã khắc họa hè phố thật thi vị: “Chiều tím loang vỉa hè và gió hôn tóc thề”. Người đẹp kiêu sa vô tình làm người nhạc sĩ lãng du, bơ vơ. Bóng dáng nàng luôn nằm trong sự đeo đuổi ngẩn ngơ. Phố cũng lẩn khuẩn mơ mộng dưới hàng cây: “Hàng cây khô tình bơ vơ. Hàng cây đưa em đi về. Giọt nắng nhấp nhô” (Gọi tên bốn mùa). Có lẽ đó là ca khúc nhạc sĩ viết khi hay tin Ph.Th. đã đi lấy chồng. Nhạc sĩ trẻ ủ ê tâm trạng khá lâu. Một cuộc tình không tới. Nàng ra đi lại như một giải thoát. 3 tình khúc ấy được coi là mở đầu cho sự nghiệp, đậm chất hoang mang, với những cuộc tình huyền ảo trong cuộc đời Trịnh Công Sơn.
Những hình ảnh phố và những con đường đã được vẽ tiếp trong những ca khúc sau đó. Điển hình là phố hiện lên rất “siêu thực” trong tình khúc Diễm xưa. Khi ấy gia đình họ Trịnh ở trên gác hai phố Nguyễn Trường Tộ với những hàng cây xanh mướt hai bên hè đường. Chàng ngắm nàng Diễm hàng ngày đi qua con phố đó đến trường. Diễm xưa là khúc nhạc buồn rất liêu trai được hát lên: “Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Chính đó là hình ảnh con phố Nguyễn Trường Tộ hiện lên qua hàng cây và đường dài hun hút xa xôi. Rồi cho đến khi trái tim tan vỡ bởi cô em Dao Ánh, thì Trịnh vẫn tỏ bày nỗi mộng mị của mình bằng hình ảnh: “Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau”. Mối tình giữa hai người, còn dai dẳng mãi tới sau này qua những bức thư. Cuộc chiến tranh đã xô đẩy Trịnh Công Sơn bật ra khỏi Huế. Trịnh cắp sách đi học Sư phạm ở Quy Nhơn (1962-1964).
Những đường cây tình xanh tươi
Đi học với Trịnh Công Sơn như là một cuộc chạy trốn quân dịch. Nhưng đời nghệ sĩ đâu trốn được những cuộc tình nảy sinh như chồi búp của cây đời bất tử. Trong thời gian này Trịnh Công Sơn cùng một số bạn chơi đàn lập ra ban hợp xướng của trường. Tổ khúc đầu tiên mà Trịnh sáng tác là Dã tràng ca. Trong tổ khúc 2 những lời ca tình yêu như nỗi niềm khát khao tuổi trẻ. Trịnh viết: “Chốn trú ẩn cuối cùng. Tình yêu mọc cánh thiên thần... Đốt cơn buồn, đi đến tình yêu. Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu. Ta ra ngàn lỗi bắt loa gọi vào tình yêu”. Và tình yêu trong đời đã đến với Trịnh Công Sơn khi thầm nhớ trộm yêu cô ca sĩ Bích Khê cùng trong ban hợp xướng.
Tưởng như mọi chuyện có thể an bài cho cuộc tình nhưng ai ngờ Bích Khê phải nghỉ học theo gia đình về Nha Trang. Bắt đầu cuộc tình và cũng là giây phút chia ly. Ngay trong đêm trước khi chia xa, hai người đã ngồi tâm sự bên bờ biển, và bản tình ca Biển nhớ đã cất lên. Thật kỳ lạ con phố hiện lên đầu tiên: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng” hay tiếp theo đó là: “Ngày mai em đi, đèn phố nghe mưa tủi hờn”. Đó chính là cuộc tình cũng không tới của nhạc sĩ với ca sĩ Bích Khê, trong đội văn nghệ. Cảm thông vừa bén rễ, hoa vừa đủ độ hương, thì phải chia xa. Biển nhớ với “Cồn đá rêu phong tủi buồn” cũng trở thành một trong những đỉnh của tình khúc, vượt thời gian.
Trong thời gian gần 3 năm học, hàng loạt những tình khúc của Trịnh Công Sơn ra đời với những nỗi buồn hoang hoải của một tâm hồn bơ vơ trước cuộc sống. Khát vọng tình yêu mà không tới. Tất cả cứ vượt khỏi tầm tay. Sau đó là những chuỗi ngày tháng buồn như trên sa mạc ở con phố “Cầu Đen” thị trấn Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn được phân công lên đây dạy học. Một số ca khúc hay của Trịnh Công Sơn thời kỳ này luôn luôn e ấp những đường phố như: Chiều một mình qua phố hay Tuổi đá buồn. Trong đó lời ca “Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em” thuộc về một câu chuyện tình khác, nảy nở hồn nhiên trên phố núi, với một cô gái xóm đạo. Người đẹp thường kẹp bông hồng trên cuốn kinh mỗi khi đi qua nhà trọ của Trịnh Công Sơn, để tới nhà thờ. Nghe nói tên người đẹp hút hồn ấy là Ngà. Nhưng cũng chỉ là Một mình Sơn mà thôi. Nhưng còn Tuổi đá buồn nữa, nhạc sĩ đi đến tận cùng trong tâm tưởng và sự rung động của trái tim. Chàng viết: “Đóa hoa hồng cài lên tóc mây, ôi đường phố dài, lời ru miệt mài...”
Sau những cú trượt dài trên con đường phố tình yêu. Trịnh Công Sơn bị không khí xã hội lôi cuốn nên đã dồn tâm sức sáng tác thể hiện thái độ phản chiến của mình. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn với những Ca khúc da vàng và Ca dao mẹ. Nhưng rồi cuộc sống trần ai đưa đẩy tới năm 1970 nhạc sĩ trở lại Huế sinh sống. Và những con phố tình yêu lại cất tiếng gọi mời. Tâm hồn nhạc sĩ luôn ngơ ngác và hoang mang trước những cuộc tình.
Sài Gòn phố mộng mơ
Vào đầu thập niên 1980, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào định cư hẳn ở TP. Hồ Chí Minh. Không ngờ cho dù cuộc đời hết sức trầm luân nhưng nhạc sĩ lại được hàng tá nhan sắc bủa vây. Tình do ngưỡng mộ. Tình do yêu thương. Trong đó có cả những cuộc tình tôn thờ. Ta có thể điểm mặt những con phố xôn xao trong âm nhạc Trịnh. Đầu tiên là cuộc tình với người đẹp Hoàng Lan, năm 1981 với ca khúc Hoa vàng mấy độ. Nhạc sĩ bật lên những cung nhạc: “Một thoáng hương bay bên trời phố lạ”. Rồi sau đó đến người đẹp D.H., với vẻ đẹp lộng lẫy đi dạo cùng Trịnh và lại một con phố nữa hiện lên, khi bị phụ tình. Trịnh Công Sơn về ôm cây đàn réo gọi con phố mùa đông của mình rằng: “Tôi đã đưa em qua nhiều phố, khi lá cây khô bay đầy ngõ” (Trong nỗi đau tình cờ).
Chờ đợi mãi rồi những con phố vui đã lên ngôi. Nhạc sĩ đã từ giã những con phố buồn, những con đường phụ bạc và cuộc tình không tên đã tới. Đó là sự gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung, vào những năm 90. Thời gian này, những con phố tình của nhạc sĩ rộn ràng như nắng và xôn xao như lá. Với 3 ca khúc viết tặng cô học trò bé nhỏ, Trịnh Công Sơn đã vẽ những con phố rất trừu tượng nhưng lại rất hiển hiện qua hình ảnh rất đáng yêu: “Bống nhảy lên đường Bống đi chơi phố” (Bống không là Bống). Lần này Trịnh Công Sơn không bị mê hoặc hay mơ mộng nữa mà nó sinh thành trong mầm sống tươi mới của tình yêu. Đó chính là những con phố cuối cùng của Trịnh Công Sơn đã Xin trả nợ người về cõi Phật.