Hà Nội

'Trịnh Công Sơn từng viết nhiều nhạc phẩm rồi quên'

29-03-2013 14:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những bài thơ phổ nhạc chưa công bố, những buổi giao lưu của nhạc sĩ tài hoa với khán giả Huế một thời sẽ được kể lại trong đêm 'Phố'.

Những bài thơ phổ nhạc chưa công bố, những buổi giao lưu của nhạc sĩ tài hoa với khán giả Huế một thời sẽ được kể lại trong đêm 'Phố'.
 
Trong đêm nhạc chủ đề Phố tưởng nhớ ngày mất Trịnh Công Sơn, sắp diễn ra ở Đà Nẵng, vài chi tiết mang tính tư liệu về con đường sáng tác của Trịnh tiếp tục được kể lại. Các tư liệu này được nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, MC đêm nhạc, chọn lọc ra từ thư viện của gia đình mà cha anh, nhà thơ Đông Trình lưu giữ.
'Trịnh Công Sơn từng viết nhiều nhạc phẩm rồi quên' 1
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Năm 1965, Trịnh Công Sơn có phổ ba ca khúc từ thơ của thi sĩ Đông Trình. Cả ba ca khúc này chưa được hát lần nào. "Điều này theo tôi rất thú vị ở chỗ, nó cho thấy Trịnh đã viết rất nhiều ca khúc, phổ thơ. Nhiều bài ông viết xong một lần và quên đi. Những bài hát đó đôi khi mang tính phong trào, tự sự hay chỉ đơn thuần là những kỷ niệm của ông dành riêng cho bạn bè và còn tạm dừng ở những phác thảo, hay ý tưởng. Tôi nghĩ đứng ở góc độ này, theo thời gian sẽ còn rất nhiều ca khúc của Trịnh được tìm thấy", con trai nhà thơ Đông Trình chia sẻ.

Ví dụ như trong cuốn Thư tình gửi một người (NXB Trẻ 2011) tuyển chọn những lá thư ông viết dành riêng cho người con gái có tên Ngô Vũ Dao Ánh, Trịnh có nhắc đến ca khúc Thanh Quan Ca. Đây cũng là một ca khúc viết xong, hát một lần cho người yêu nghe rồi quên. Trong cuộc đời tài hoa của ông còn rất nhiều ca khúc đã quên như thế!

12 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, các tư liệu về ông luôn được khai thác, nhưng chưa bao giờ cạn kiệt. Từ cái cọng kính tròn ông đeo, chiếc xe hơi ông đi, những lá thư ông viết cho cô gái, người yêu ông Ngô Vũ Dao Ánh, những huyền thoại xung quanh các bài hát viết tặng các người đẹp Huế… Mỗi câu chuyện được nhắc, được kể lại ngày càng làm dày thêm phác họa về người nghệ sĩ tài hoa.

Hồng Minh kể, cha anh có rất nhiều bạn bè văn nghệ. Trịnh Công Sơn là một trong những người bạn lớn của ông.

Lần đầu tiên Nguyễn Hữu Hồng Minh gặp cố nhạc sĩ là khi mới mười tuổi. Một buổi chiều tại Huế, nhà thơ Đông Trình có hẹn người bạn cùng đi uống cà phê trong Thành nội. Đó là người đàn ông cao gầy, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Ông đi chiếc xe đạp gióng ngang rất cũ. Không ai nghĩ đó chính là người nhạc sĩ nổi tiếng. Ông rất thích trẻ con. "Cha tôi và Trịnh Công Sơn có nỗi niềm gì mà đã ngồi với nhau rất lâu. Sau này đọc nhiều tư liệu tôi mới biết đây giai đoạn rất khó khăn với Trịnh vì hộ khẩu và việc đi lại của văn nghệ sĩ. Ông đang lưỡng lự trước quyết định quan trọng ở việc trở lại Huế hay vào hẳn Sài Gòn. Sau này vào học đại học ở TP HCM, tôi còn thêm nhiều dịp gặp ông", Hồng Minh kể.
'Trịnh Công Sơn từng viết nhiều nhạc phẩm rồi quên' 2
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Nhà thơ Đông Trình và Trịnh Công Sơn còn từng là diễn giả của một buổi nói chuyện tại chùa Pháp Bảo Hội An vào ngày 25/10/1974. Đây là buổi theo thư mời ghi rõ: “sinh hoạt văn nghệ theo tinh thần hòa giải dân tộc” và ban tổ chức “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương”.

Bức thư này cho thấy Trịnh Công Sơn là một đạo hữu Phật giáo. Tất cả ca khúc của ông đều thấm nhuần triết lý và tư tưởng Phật giáo như Cát bụi, Ở trọ, Hoa xuân ca, Đêm thấy ta là thác đổ… Tại buổi này, khán giả được nghe những ca khúc phản chiến Da Vàng: Hát trên những xác người, Ra đồng giữa ngọ, Đại bác ru đêm (nhạc Trịnh Công Sơn) hay Vì những người chết không nhắm mắt, Đường thơm chân đất, Gửi người em gái bên kia cầu sông Vệ, Một lần là trăm năm (thơ Đông Trình)…

Những kỷ niệm một thời gắn bó với Trịnh Công Sơn được nhà thơ Đông Trình, nhà thơ - nghệ sĩ Lê Diễn… trò chuyện, giao lưu với khán giả đêm nhạc "Phố". Chương trình diễn ra tối 29/3, dịp kỷ niệm ba mươi tám năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, mười hai năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Thái Hòa, Thủy Tiên… tham gia biểu diễn.

"Tôi nghe và đọc nhiều về các bài viết của Trịnh và xung quanh thế giới Trịnh.  Không nghi ngờ gì nữa! Trong ngôi đền âm nhạc, ông là một bậc Á thánh. Một thiên tài. Và tôi nhận ra một điều cốt lõi thế này. Sinh thời, Trịnh Công Sơn vẫn muốn nhạc của ông được các thế hệ tiếp nối, kế cận. Như một cây đại thụ đơm những cành, lá mới. Những cành lá sẽ vươn xa hơn, non tơ hơn, mềm mại và quyến rũ hơn. Hình ảnh đó đắt giá, là minh chứng sống động cho sức sống một tài năng, một nghệ sĩ", Nguyễn Hữu Hồng Minh chia sẻ cảm nhận trong vai trò MC kết nối các tiết mục trong đêm "Phố".

Theo Thoại Hà (VnExpress)


Ý kiến của bạn