Ðến xuân này, Trịnh Công Sơn đã rời xa dương thế tròn một thập kỷ. Nhưng hình như tôi và những người yêu quý anh, yêu quý “nhạc Trịnh” vẫn có cảm giác anh vẫn đang tồn tại trên cõi đời, đang ở đâu đó nhâm nhi một ly Chivas pha soda với điếu thuốc toả khói trên tay. Và mỉm cười. Một nụ cười thầm kín.
Trong mỗi chúng ta, mỗi người đều có một rung động riêng về ca khúc Trịnh Công Sơn. Tôi cũng không ngoài mọi người. Như còn mới đây, những ngày đầu thanh xuân.
Tình ngỡ đã phôi pha/ nhưng tình vẫn còn đầy/ người ngỡ đã đi xa/ nhưng người vẫn quanh đây/ những bước chân mềm mại/ đã đi vào đời người/ như từng viên đá cuội/ rớt vào lòng biển khơi. |
Mùa thu 1983, tôi gặp Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Năm đó, anh và Trần Long Ẩn ra dự Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 3. Vậy là có những ngày thảng thốt lãng du qua những địa chỉ kinh thành. Khi thì tại nhà Văn Cao 108 Yết Kiêu. Khi thì tại khách sạn Đồng Lợi nơi các anh tạm trú. Khi thì trên nóc gác nhà tôi 60 Hàng Bông. Ở đây, Trịnh Công Sơn vừa uống rượu, vừa nhìn Bùi Xuân Phái vẽ, vừa ngắm những mái nhà phố cổ nhấp nhô như một đại dương để rồi ca từ: “Mái ngói thâm nâu” xuất hiện trong “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Ở đây, Trịnh Công Sơn nghe mọi người hát những ca khúc quen thuộc của anh. Vui nhất là nghe Phương Thanh - nổi tiếng trong vai “Hiền cá sấu” ở phim “Tội lỗi cuối cùng” hát ca khúc “Đời gọi em biết bao lần” mà Trịnh Công Sơn viết cho phim này. Đến khi Dung Hoà hát “Ở trọ” bằng cái giọng khàn khàn thuốc lá, thì Trịnh Công Sơn bỏ kính, nhìn trân trối: “Lạ quá ta”. Tất cả cùng cười và cụng ly. Cũng vào dịp ấy, tôi mới biết nỗi trắc ẩn của Trịnh Công Sơn khi phải rời xa Huế vào Sài Gòn định cư, để lại căn nhà chân dốc Phú Cam cho Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Vũ Thuật ở: “Bao năm rồi lòng tôi gãy cùng cây- nỗi vắng cách chính là cơn bão lớn- có còn đôi khi chỉ là mùi cơm hến - một tinh sương văng vẳng dốc Phú Cam ...”. Đấy là những câu thơ tôi viết tặng anh khi hiểu nỗi trắc ẩn này.
Mùa thu 1984, sau chuyến đi sáng tác ở miền Trung, tôi và Nguyễn Trọng Tạo “đổ bộ” vào Sài Gòn. Chúng tôi tới thẳng căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ). Trịnh Công Sơn mừng rỡ lấy ra một chai vodka Nga. Vừa cụng ly, chúng tôi vừa nghe anh hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Huyền thoại mẹ”. Cả hai ca khúc đều hay, nhưng tôi nói với anh rằng, có lẽ “Huyền thoại mẹ” sẽ nổi tiếng trước “Nhớ mùa thu Hà Nội” vì khó ngấm hơn. Quả nhiên phải đến mười năm sau, người thưởng thức mới ngấm “Nhớ mùa thu Hà Nội” và yêu nó như hôm nay. Từ sau đêm đó, anh cùng Đinh Cường và tôi với Tạo cứ thế rong ruổi trên các nẻo đường lãng du giữa âm nhạc và rượu.
![]() |
Từ đó, dường như năm nào tôi cũng gặp anh. Khi thì tôi vào Sài Gòn. Thi thoảng anh ra Hà Nội. Vào mười năm cuối thế kỷ, khi anh trở thành “anh hai” của nhóm “Những người bạn” thì giữa anh và tôi lại có thêm Từ Huy hết lòng vì mọi người. Mùa thu 1997, anh ngã bệnh nặng. Khi tôi và Từ Huy vào bệnh viện thăm, ngỡ anh không thể qua khỏi. Vậy mà anh đã vượt qua tử thần ở chặng hiểm nguy này. Mùa xuân 1998, chúng tôi lại vui vẻ rượu vang cùng anh. Lúc ấy lại nghe “Tiến thoái lưỡng nan” như từ cõi chết vút lên. Mùa thu 1998, lại hoan hỷ gặp nhau giữa kỷ niệm 1000 năm thành phố Quy Nhơn. Với anh là “Biển nhớ”, còn tôi là “Quy Nhơn thành phố thơ ca”.
Cuối tháng 3/2001, tôi gọi máy cho anh nói rằng tôi đang viết sách âm nhạc cho thiếu nhi, muốn đưa bài “Đoá hoa vô thường” vào cuốn “Ballade”. Anh cười qua điện thoại: “Đúng đấy! Bài ấy thể Ballade đấy. Kha chọn là đúng rồi”. Không ngờ vào ngày cá tháng Tư 1/4/2001, Trịnh Công Sơn giã biệt cuộc đời ở tuổi 63.
Bây giờ, tròn một thập kỷ, Trịnh Công Sơn đã yên nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa “đứa con xa đã tìm về nhà- đất hoang vu khép lại hẹn hò ...” nhưng giai điệu “nhạc Trịnh” vẫn rền trên dương thế như giai điệu Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao. Và còn rền vang mãi mãi trong tôi. Trong muôn người.
Nguyễn Thụy Kha