Hà Nội

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

04-07-2017 21:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sáng 4/7 Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đúng ngày Quốc khánh Mỹ và chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 nơi sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Sáng 4/7 Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đúng ngày Quốc khánh Mỹ và chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 nơi sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Họ tuyên bố đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Vụ thử thành công nhất

Truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV gọi đây là một vụ phóng mang tính “bước ngoặt” và vụ thử có sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Người phát ngôn của Triều Tiên cũng nói rằng, nước này là “một cường quốc hạt nhân”, “có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rất mạnh có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Tuy nhiên phát biểu của Triều Tiên trái ngược với nhận định của Hàn Quốc và Mỹ - cả hai nước đều cho rằng Triều Tiên chỉ thử tên lửa đạn đạo tầm trung, chứ không phải ICBM. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, họ phát hiện ra và đã theo dõi một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất, bay trong 37 phút, từ địa điểm gần một sân bay ở Panghyon, cách Thủ đô Bình Nhưỡng chừng 100km về phía Tây Bắc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia. Ông cho biết, đây có lẽ là một tên lửa tầm trung, nhưng quân đội cũng xem xét khả năng đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địaNgười Hàn Quốc theo dõi qua TV vụ thử sáng 4/7 của Triều Tiên.

Nếu thực sự đây là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như Triều Tiên nói thì vụ phóng lần này có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi với các nước láng giềng. Vụ phóng cũng được xem là lần thử thành công nhất của Triều Tiên cho tới nay. David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu tại Hiệp hội các nhà khoa học có quan tâm đặt tại Mỹ, nói rằng, việc đánh giá thời gian và quãng đường bay của tên lửa cho thấy, có thể nó đã được phóng trên quỹ đạo cầu vồng rất cao, với độ cao trên 2.800km. Ông cho biết, tên lửa này có thể đạt tới tầm tối đa 6.700km trên đường bắn tiêu chuẩn. “Tầm bắn đó không đủ để vươn tới 48 bang phía dưới của nước Mỹ hoặc các đảo lớn ở Hawaii, nhưng có thể vươn tới Alaska” - ông nói.

Đẩy Mỹ vào thế khó

Phát biểu sau vụ thử sáng 4/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, ông sẽ đề nghị lãnh đạo Nga và Trung Quốc có vai trò tích cực hơn nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí của Triều Tiên. “Lãnh đạo thế giới sẽ tập hợp tại cuộc họp G20. Tôi mong muốn kêu gọi mạnh mẽ sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế về vấn đề Triều Tiên” - ông Abe nói với các phóng viên. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên về Triều Tiên bên lề G20, trong đó có thể có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phản ứng về vụ thử mới nhất này, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Vốn có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, ông Trump tiếp tục thúc giục các nước láng giềng của Triều Tiên hành động: “Khó mà tin rằng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chịu đựng việc này lâu hơn nữa. Có thể Trung Quốc sẽ có một hành động nặng nề với Triều Tiên và chấm dứt sự vô nghĩa này một lần và mãi mãi”. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Trump đã được báo cáo tình hình về vụ thử xảy ra chỉ vài giờ trước Ngày Độc lập của Mỹ. Trước đây Triều Tiên đã từng bắn tên lửa trong dịp lễ này.

Melissa Hanham, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin nói rằng, vụ thử ICBM sẽ đặt Mỹ vào thế khó trong đàm phán. “Tôi nghĩ vẫn còn có thể đàm phán, nhưng đó không phải là cách mà chúng ta muốn” - bà nói. Theo bà, Mỹ giờ đây chỉ có thể thúc đẩy để hạn chế, chứ không thể xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân với lục địa Mỹ.

Triều Tiên có vẻ đang thúc đẩy vị thế của họ trong quan hệ với các chính quyền mới ở Mỹ và Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên cầm quyền ở Hàn Quốc tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử tên lửa. Đầu tuần này ông Trump cũng đã điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản. Lãnh đạo cả hai nước đã tái khẳng định cam kết của họ với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Trump gần đây cũng tỏ ra hết kiên nhẫn với những bước đi của Trung Quốc mà ông cho là không đủ gây sức ép. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc cuối tuần qua, ông Trump kêu gọi các cường quốc khu vực tiến hành trừng phạt và yêu cầu Triều Tiên “chọn con đường tốt hơn và thực hiện việc đó thật nhanh”.


Hà Anh
Ý kiến của bạn