Hà Nội

Triều Tiên thử tên lửa: Gáo nước lạnh dội lên nỗ lực phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

22-05-2017 10:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay sau vụ phóng thử tên lửa tầm trung của CHDCND Triều Tiên hôm 21/5, dư luận nghi ngờ về khả năng có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng theo hướng gây sức ép, hay trừng phạt.

Bỏ mặc những đòn trừng phạt kinh tế hay sức ép ngoại giao, CHDCND Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Và vụ phóng tên lửa hôm 21/5 như một câu trả lời,  “gáo nước lạnh” dội lên hy vọng về một cuộc đàm phán hoà bình hay mong muốn phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều  Tiên.

Hãng  thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đã xác nhận, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung mới sáng 21/5, đây là vụ thứ hai của Bình Nhưỡng trong vòng một tuần và là vụ thử tên lửa thứ 8 trong năm nay.

Tên lửa mới được Triều Tiên phóng thử từ Pukchang, thuộc tỉnh Nam Pyongan, có tên Pukguksong-2 , một tuần trước nước này cũng đã phóng một tên lửa tầm trung mới, có tên gọi Hwasong-12.

So với tên lửa Hwasong- 12 trước đây, tên lửa tầm trung bắn hôm 21/5 chỉ bay được khoảng 500km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Trong khi đó  tên lửa tầm trung Hwasong -12 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bay với chiều dài nhất gần 800 km. Đây là loại tên lửa đạn đạo bay xa nhất trong các loại tên lửa đạn đạo trước đó của CHDCND Triều Tiên.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã theo dõi vụ phóng tên lửa đất đối đất Pukguksong-2 mới. Ông Kim đã phê chuẩn việc triển khai loại tên lửa này để chiến đấu và gọi đó là một “vũ khí chiến lược thành công”.

Các chuyên gia về vũ khí, tên lửa mới được phóng  được cho là đã được phát triển với công nghệ ứng dụng trong các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Hàn Quốc đã mô tả vụ phóng tên lửa này là hành động “liều lĩnh và vô trách nhiệm”, trong khi Mỹ nhấn mạnh cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, họ đã theo dõi tên lửa cho đến khi nó rơi xuống biển Nhật Bản. Không chỉ quân đội Mỹ, quân đội các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của quân đội Triều Tiên và các nước đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự để đối phó.

Trong một diễn biến khác, nước đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Uruguay cho biết, Hội đồng Bảo an sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 23/5 thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Mỹ đang làm việc với Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, về một giải pháp trừng phạt mới và cảnh báo rằng tất cả các nước phải tăng cường hành động chống lại CHDCND Triều Tiên hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Chưa biết Bình Nhưỡng sẽ phải gánh chịu những đòn trừng phạt gì tiếp theo, nhưng những gì mà CHDCND Triều Tiên đã và đang tiến hành gây sự chú ý không chỉ của Mỹ mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo thế giới.


Hải Yến
Ý kiến của bạn