Sáng 6/1, Triều Tiên đã tiến hành thử thành công bom hydro (còn gọi là bom H). Đây là vụ thử bom H đầu tiên và là vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên. Diễn biến trên đã đưa Đông Bắc Á trở thành điểm nóng khu vực khiến dư luận quốc tế lo ngại.
Vụ thử thành công bom H diễn ra trước thềm kỷ niệm sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tuần này. Khi vụ thử diễn ra, nhiều nước láng giềng của Triều Tiên đểu lầm tưởng động đất đã xảy ra tại khu vực này với dư chấn rất mạnh. Tuy nhiên, ngay sau đó, Triều Tiên đã xác nhận thông tin họ tiến hành vụ thử bom Hydro.
Ngay lập tức, các nước khu vực Đông Bắc Á đã có những phản ứng gay gắt trước động thái của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã lên án vụ thử bom nhiệt hạch đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng phải "trả giá" cho việc liên tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, Tokyo sẽ phối hợp với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để đưa ra phản ứng cứng rắn với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công quả bom H. Các nước thành viên HĐBA đã kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân mới này của Triều Tiên, cho đây là hành động vi phạm trắng trợn các nghị quyết 1718 (năm 2006), 1874 (năm 2009), 2087 và 2094 (năm 2013) của HĐBA cũng như cơ chế không phổ biến hạt nhân; đồng thời coi hành động này là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Triểu Tiên thử thành công bom nhiệt hạch khiến quốc tế lo ngại
Vấn đề đặt ra hiện nay là vụ thử nghiệm bom H này sẽ tác động như thế nào đến tình hình bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á? Trước khi xảy ra vụ việc này, bán đảo Triều Tiên đã có dấu hiệu ấm lên. Chỉ cách đây 1 tuần, ngày 1/1/2016 ngày đầu tiên của năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên để ngỏ cánh cửa đối thoại với Hàn quốc về vấn đề thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Cũng trong thông điệp năm Mới, Tổng thống Hàn quốc đã tuyên bố sẽ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.
Điểm khiến dư luận băn khoăn hiện nay là vì sao Triều Tiên lại “quay ngoắt” như vậy? Về lý thuyết, giới chức Triều Tiên thông báo vụ thử này để nhằm chào mừng những thành tựu của Đảng Lao động Triều Tiên khi Đại hội đảng Lao động toàn quốc sắp đến gần. Nhưng trên thực tế, giới phân tích cho rằng đây là một tín hiệu nhằm đánh dấu sự trở lại cũng như thu hút sự chú ý của dư luận đối với Triều Tiên trong bối cảnh có quá nhiều điểm nóng trên thế giới hiện nay.
Các nguồn tin từ Hàn quốc cho biết CHDCND Triều Tiên sở hữu khoảng 600 tên lửa Scud và 100 tên lửa Nodong. Cũng có nguồn tin khác cho rằng CHDCND Triều Tiên sở hữu hơn 800 tên lửa đạn đạo các loại, với tầm bắn bao phủ Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí cả tới Mỹ. Vì thế, việc Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch là một tín hiệu khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Tuy nhiên, cũng đã có những thông tin khác nhau về vụ thử bom hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ đã hoài nghi về khả năng Triều Tiên thử thành công bom H. Chính phủ Mỹ khẳng định kết quả những phân tích ban đầu mà nước này vừa tiến hành không trùng khớp với tuyên bố của Triều Tiên về việc lần đầu tiên thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng thiết bị hạt nhân mà Triều Tiên vừa thử không phải một quả bom H. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng phải mất ít nhất vài ngày để xác minh xem loại bom mà Triều Tiên sử dụng là loại bom gì và khả năng tác động của nó tới đâu.
Trong lúc này, dư luận đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo trên bán đảo Triều Tiên. Bầu không khí căng thẳng đang bao trùm tại Đông Bắc Á dự báo những điềm không lành trong năm 2016.