Hà Nội

Triều Tiên phóng tên lửa lần 5 trong vòng 16 ngày, vén màn bí mật tên lửa KN-23

10-08-2019 15:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo giới chức quân sự Hàn Quốc, ngày hôm nay, Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn xuống biển Nhật Bản. Đây là vụ tên lửa thứ 5 trong vòng 16 ngày.

Truyền hình Seoul chiếu cảnh Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn xuống Biển Nhật Bản

Những quả tên lửa này đã bay vèo vèo nhiều giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được bức thư từ Bình Nhưỡng.

Tên lửa được bắn gần đông bắc thành phố Hamhung vào lúc 5.32 sáng và 5.50 sáng, bay xa 400 km và đạt độ cao đỉnh điểm 48 km. Giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết có khả năng cao những vụ phóng tên lửa sẽ còn tiếp diễn trong đợt diễn tập quân sự mùa hè của Triều Tiên và trong bối cảnh tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang diễn ra.

Tên lửa KN-23 có gì đặc biệt?

Văn phòng Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc cho biết vũ khí trên được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nâng cao khả năng tương đối giống các vụ thử tên lửa KN-23 gần đây.

Ngay sau các vụ bắn tên lửa, Trưởng Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Kyeong-doo và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Suh Hoon. "Họ cho rằng các động thái trên hiển nhiên để phô trương sức mạnh chống lại các cuộc diễn tập quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ.", phát ngôn viên Nhà Xanh tuyên bố.

Một quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ với tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times) rằng Washington nhận thức rõ về các báo cáo vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và sẽ tiếp tục kiểm soát tình hình. "Chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ cùng các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.", quan chức trên nói.

Ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong một tuyên bố nêu rõ không có một tên lửa nào trong các vụ phóng thử rơi xuống vùng biển thuộc lãnh thổ của nước này hay rơi xuống vùng kinh tế đặc quyền. Các vụ thử này cũng không gây ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản.

Tên lửa KN-23 cơ động được phóng từ xe tải nên dễ lẩn trốn, dễ triển khai

Tên lửa KN-23 cơ động được phóng từ xe tải nên dễ lẩn trốn, dễ triển khai

Tên lửa KN-23 là loại sử dụng nhiên liệu rắn và phóng từ xe tải. Có nghĩa là nó có thể dễ dàng được giấu đi và nhanh chóng được triển khai. Nó bay nhanh ở độ cao thấp và cơ động, dễ dàng lẩn trốn khỏi tầm phát hiện của radar.

Triều Tiên đã thử nghiệm loại tên lửa này (một phiên bản nâng cấp từ loại tên lửa Iskander của Nga) vài lần trong 3 tháng qua, bất chấp lệnh cấm thử bất kỳ loại công nghệ đạn đạo nào của Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Trump đã nhận được "lá thư với lời lẽ rất đẹp"

Theo tờ Japan Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem nhẹ những vụ thử tên lửa gần đây. Chỉ nhiều giờ trước vụ phóng thử, ông còn tuyên bố đã "nhận được một lá thư rất thiện chí từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un" vào hôm thứ 5 tuần này.

"Đó là 3 trang thư với lời lẽ rất đẹp, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, rất đẹp." Ông Trump nói, "Và có lẽ tôi sẽ đưa ra kết quả từ những lá thư, nhưng quả thực đó là một bức thư rất tích cực."

Ông Trump cho biết trong bức thư, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tỏ ra thất vọng trước các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. "Ông không hài lòng với... trò chơi chiến tranh", Tổng thống Trump cho biết. "Và như bạn biết đấy, tôi cũng chẳng bao giờ thích điều đó. Bạn biết tại sao không? Tôi không muốn phải trả giá cho điều đó. Chúng ta sẽ phải trả giá cho điều đó, tôi đã từng nói với Hàn Quốc như thế."

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un 3 lần kể từ tháng 6 năm ngoái, ông cũng đã đưa ra khả năng sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim trong một cuộc thượng đỉnh nữa. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ gặp gỡ nhau lần nữa".

Vào thứ 4 tuần này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lên tiếng, cho biết các vụ thử tên lửa hôm thứ 3 sẽ đủ để gửi lời cảnh báo tới hoạt động diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn.

Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Triều Tiên đã đề cập tới các vụ diễn tập, gọi đó là sự "vi phạm trắng trợn" các nỗ lực tiến tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh sự thiếu ý chí chính trị của Seoul và Washington để cải thiện mối quan hệ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn cho biết nếu các vụ diễn tập quân sự còn tiếp diễn, Triều Tiên sẽ buộc phải tìm một con đường mới.

Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc hội đàm giải trừ vũ khí hạt nhân hiện đang ngưng trệ với Triều Tiên sẽ sớm được nối lại, nhưng thừa nhận rằng vẫn chưa quyết định thời gian hay địa điểm.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim tại ngôi làng ngừng bắn Panmunjom ở biên giới hai miền Triều Tiên, phía Mỹ nói rằng các cuộc hội đàm sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong tháng 7. Thế nhưng thời gian đã trôi qua mà hai bên vẫn còn đang liên lạc với nhau.


Bảo Linh
Ý kiến của bạn