Triều Tiên đã cho nổ hầm phía Bắc còn được biết đến là hầm số 2 của bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào lúc 9 giờ sáng 24-5 (giờ Hà Nội) , các phóng viên Hàn Quốc đưa tin. 2 đường hầm khác bị phá hủy vào lúc 4 giờ 17’ chiều cùng ngày, tiếp theo đó là doanh trại, đài quan sát và cơ sở khác trên mặt đất.
Các vụ nổ kết thúc vào thúc 6 giờ 17’ chiều nay, các nhà báo cho biết họ chưa thể xác minh liệu đường hầm số 1 hoặc đường hầm phía Đông cũng được loại bỏ. Trong số 4 đường hầm của bãi thử thì đường hầm phía Đông trước đó được bỏ lại, theo trang tin 38 độ Bắc.
Triều Tiên đã phá hủy bãi thử hạt nhân Pungye-ri bằng hàng loạt vụ nổ trong chiều 24-5
Đây là một trong những bước giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nâng cao khả năng về một hội nghị thượng đỉnh giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Thông tấn Anh Reuters nhận xét. Các phóng viên quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh đã quay lại cảnh phá hủy bãi thử hạt nhân, nhưng phim tư liệu mang tính chất lịch sử chỉ có thể được công chiếu trước công chúng khi họ trở về Wonsan, thành phố duyên hải phía Đông của CHDCND Triều Tiên, dự kiến vào sáng 25-5.
Một nhóm phóng viên hãng tin Mỹ CNN đã chứng kiến việc phá hủy các đường hầm số 2, 3 và 4 từ đài quan sát cách đó khoảng 500 m.
Trước đó, năm 2017, Triều Tiên có nhiều vụ thử vũ khí hạt nhân khiến nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới tỏ ra lo ngại
Họ là trong số hàng chục nhà báo được mời đến quốc gia Đông Bắc Á để chứng kiến việc phá bỏ minh bạch bãi thử hạt nhân chỉ vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump, các phóng viên CNN cho biết. Nhóm nhà báo chia sẻ dành thời gian khoảng 10 giờ tại khu vực bãi thử hạt nhân trước khi rời đi bằng tàu thực hiện hành kéo dài 12 giờ trở về Wonsan.
Triều Tiên giải thích rằng 2 đường hầm số 3 và 4 vừa được xây mới và có thể được sử dụng cho các vụ thử hạt nhân trong tương lai. Việc phá bỏ các đường hầm thật sự là một bước đi cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện phi hạt nhân hóa, phóng viên Zhdanov của Thông tấn Nga RT tường thuật. Phóng viên này cho biết anh rất ấn tượng về vụ nổ. “Tất cả các công trình tại hiện trường bao gồm doanh trại và đài quan sát an ninh đã bị phá hủy bằng hàng loạt vụ nổ,” theo Zhdanov.
Tuy nhiên, anh lưu ý các toà nhà được bỏ trống trước khi bị phá hủy. “Chúng tôi được thông báo trước đó các quan chức đã loại bỏ thiết bị. Nhưng tất nhiên, chúng tôi không cách gì để xác minh điều đó”, phóng viên RT cho biết.
Tên lửa hành trình chống hạm từ bệ phóng di động trên mặt đất được Triều Tiên phóng thử vào tháng 6/2017
Viện Khoa học Hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thông báo rằng Bình Nhưỡng sẽ tích cực giúp đỡ xây dựng một thế giới phi hạt nhân. Viện này cho biết các cán bộ khoa học từng làm việc tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã được sơ tán và khu vực bây giờ không còn khả năng thực hiện các vụ thử hạt nhân, theo hãng thông tấn Yonhap.
CHDCND tuyên bố vào ngày 20-4 rằng bãi thử Punggye-ri đã hoàn thành nhiệm lịch sử vụ giúp đất nước trở thành một “cường quốc hạt nhân”, và không cần thiết phải thực hiện thêm các vụ thử. Để thể hiện cam kết phi hạt nhân, Bình Nhưỡng thông báo sẽ phá hủy bãi thử hạt nhân.
Theo CNN, trước khi phá bỏ bãi thử, các phóng viên được mời vào bên trong 3/4 đường hầm trước khi chuyển đến một địa điểm an toàn để quan sát hoạt động phá bỏ bằng thuốc nổ. Khối lượng và loại thuốc nổ sử dụng không được chính quyền tiết lộ. Các phóng viên CNN miêu tả vật liệu nổ có kích thước bằng quả bóng đá, được gắn chặt với nhau, có thể quan sát ở khoảng cách từ 35m bên trong các đường hầm.
Sau khi các đường hầm bị phá hủy, các nhà báo quốc tế được phép đến gần để đánh giá kết quả. Tuy nhiên, không có các chuyên gia quốc tế được mời để đánh giá liệu các vụ nổ đã đủ độ sâu để phá hủy các đường hầm.