Hà Nội

Triều Tiên “nhắc nhở” ai?

05-05-2019 10:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 5/5, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các loại vũ khí mà nước này vừa tiến hành thử nghiệm trước đó một ngày gồm các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật. Dù không phải các loại tên lửa đạn đạo như Hàn quốc và Mỹ lo ngại, tuy nhiên đây rõ ràng là một thống điệp “nhắc nhở” mà Triều Tiên muốn gửi đến các bên.

Theo KCNA, các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở khu vực biển Nhật Bản nhằm đánh giá và kiểm tra khả năng hoạt động, độ chính xác của các loại vũ khí nêu trên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia thị sát các cuộc thử nghiệm và “đánh giá cao khả năng chiến đấu của các vũ khí và thiết bị” được thử nghiệm. Trước đó, sáng 4/5, Triều Tiên đã phóng một số vật thể bay với tầm bắn từ 70-200km trên biển.

Triều Tiên “nhắc nhở” ai?Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội.

Việc Triều Tiên phóng thử pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật ngay lập tức dẫn tới những phản ứng khác nhau. Nếu như chính phủ Hàn Quốc khẳng định hành động phóng thử vũ khí sáng ngày 4/5 của Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều.Thỏa thuận quân sự liên Triều được ký kết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 27/10 vừa qua, kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa hai bên như dừng tất cả các cuộc tập trận quân sự gần biên giới đất liên và biên giới biển của hai quốc gia, nhằm giảm căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn.Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng thận trọng hơn với việc bày tỏ tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ không phá bỏ lời hứa."Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới rất thú vị này, song tôi tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-Un hoàn toàn có thể nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm điều gì gây cản trở hoặc chấm dứt điều đó". Ông Trump nhấn mạnh: "Ông Kim Jong-Un cũng biết rằng tôi ủng hộ ông ấy và không muốn phá bỏ lời hứa của ông ấy với tôi. Rồi thỏa thuận sẽ đến".

Ở góc độ phân tích, giới quan sát cho rằng vụ thử pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật mới nhất của Triều Tiêng đang phát đi một thông điệp cảnh báo: “Triều Tiên đã mất dần kiên nhẫn với cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, cũng như hợp tác kinh tế liên Triều gần như không tiến triển”.Nói cách khác, vụ phóng sáng 4/5 vẫn được coi là thông điệp cứng rắn mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc.Việc  ông Kim Jong-Un nhấn mạnh “chỉ có sức mạnh mới có thể bảo đảm hòa bình và an ninh thực sự” trong vụ thử lần này chính là một lời “nhắc nhở” rằng không còn nhiều thời gian để chờ đợi.

Tất nhiên, Triều Tiên đã cân nhắc kỹ lưỡng cho một quyết định như vậy. Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 không đạt được thỏa thuận, đã hơn 2 tháng trôi qua mà đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có những tiến bộ rõ ràng hơn. Trên thực tế, lập trường của Triều Tiên và Mỹ vẫn còn cách xa nhau do  Mỹ chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ các lệnh cấm vận mà Triều Tiên đưa ra. Còn Triều Tiên kiên quyết không nhượng bộ giải giáp vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ. Rõ ràng, lòng tin vẫn là yếu tố lớn nhất cản trở mối quan hệ Mỹ- Triều Tiên.

Một thông điệp nữa Triều Tiên muốn chuyển tới Mỹ và Hàn Quốc, đó là Triều Tiên “không thụ động” trong cuộc chơi, có thể tự chủ kinh tế và đang có nhiều lựa chọn. Đây cũng có thể coi là một dấu hiệu “chuẩn bị” của Triều Tiên nhằm nâng tầm vị thế của nước này trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3, nếu sự kiện này diễn ra.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên chỉ thử hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật cũng đã cho thấy một sự “chừng mực” nhất định trong cách ứng xử với Hàn Quốc và Mỹ. Trong một năm rưỡi qua, kể từ khi Hàn Quốc-Triều Tiên tổ chức thượng đỉnh liên Triều, Triều Tiên đã không tiến hành bất cứ vụ thử tên lửa đạn đạo nào. Với vụ thử mới nhất này, rõ ràng Triều Tiên đã kiềm chế không để động thái này đi quá xa, phá hỏng các cơ hội đàm phán về sau này. Với tầm bắn ngắn chỉ từ 70 đến 200km, vụ phóng thử mới nhất này của Triều Tiên giống như một sự “đánh động” hơn là sự khiêu khích. Do đó, ngoài Hàn Quốc, các bên còn lại như Mỹ, Nhật Bản đều phản ứng khá thận trọng trước hành động của Triều Tiên bởi không coi đó là mối đe dọa tức thì.

Điều mà dư luận mong mỏi hiện nay, là các bên tiếp tục đối thoại với nhau. Nếu tiếp tục những diễn biến căng thẳng như hiện nay, các nỗ lực quốc tế trong suốt thời gian qua có nguy cơ vứt bỏ. Vì thế, đối thoại vẫn sẽ là giải pháp tối ưu trong tình hình hiện nay.


N.Quang
Ý kiến của bạn