Theo Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được phóng từ khu vực Jangyon, tỉnh Nam Hwanghae vào khoảng 5 giờ 5 phút sáng và bay được khoảng 600 km.
Tên lửa đạn đạo thứ hai được phóng vào khoảng 5 giờ 15 phút sáng và bay được khoảng 120 km.
Lần cuối cùng Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Jangyon là vào tháng 3/2023.
JCS đã mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa mới nhất là "hành động khiêu khích", gây đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, JCS khẳng định sẽ duy trì sự sẵn sàng cao độ trước những hành động khiêu khích như vậy.
Đối mặt với các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, JCS khẳng định lập trường kiên quyết: tăng cường giám sát, nâng cao cảnh giác và duy trì sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, họ cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản, chia sẻ thông tin tình báo về tên lửa đạn đạo để cùng ứng phó hiệu quả.
Trước đó, ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án cuộc tập trận "Lá chắn Tự do" kéo dài 3 ngày, với sự tham gia của máy bay chiến đấu và tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay Mỹ. Cuộc tập trận kết thúc ngày 29/6. Triều Tiên tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó "tấn công và áp đảo" chống lại điều mà họ gọi là nỗ lực củng cố một khối quân sự.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra chỉ 5 ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo về phía Biển Đông vào ngày 26/6. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa nhiều đầu đạn, nhưng Hàn Quốc bác bỏ tuyên bố này là "lừa dối", nói rằng vụ phóng kết thúc thất bại do tên lửa phát nổ giữa không trung.
Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng xuyên biên giới trong những tuần gần đây, khi phóng bóng bay chở rác tới Hàn Quốc để đáp trả việc truyền đơn chống Bình Nhưỡng do những người đào thoát và các nhà hoạt động Triều Tiên ở miền Nam gửi đến.
Vụ phóng tên lửa mới nhất này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Bình Nhưỡng và Moscow, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tại Bình Nhưỡng. Hiệp ước này bao gồm cam kết hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu bị tấn công.