Triều Tiên lần thứ 2 phóng tên lửa : “Giọt nước tràn ly” hay nguy cơ xung đột đang lớn dần?

30-07-2017 15:39 | Quốc tế

SKĐS - Ngay sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên tối hôm thứ 6, Mỹvà Hàn Quốc lần đầu tiên cùng đưa ra cảnh báo sẽ“lựa chọn các giải pháp quân sự”.

Đáng chú ý, nhiều quốc gia cũng đã tuyên bố thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên theo chiều hướng cứng rắn hơn. Cộng đồng quốc tế lo ngại những gì đang xảy ra sẽ đẩy vấn đề Triều Tiên lên một nấc thang nguy hiểm mới.

Đây là lần thứ 2 Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địaHwasong-14 chỉ trong vòng 1 tháng. Nếu như quả tên lửa liên lục địa thứ nhất hôm 4/7,bay cao tới 2.800 km, thì vụ phóng tên lửa liên lục địa thứ 2 tối hôm thứ 6 vừa qua, được cho là đã thiết lập được "khoảng cách xa nhất" với độ cao tối đa là hơn 3.720 km và tầm bay xa gần 1000km. Giới chức Triều Tiênkhông ngần ngại tuyên bố có thể phóng tên lửa "bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào" và đây là một lời "lời cảnh báo nghiêm khắc" nhằm vào Mỹ.

Triều Tiên lần thứ 2 phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Không thể phủ nhận, những vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên gần đây cho thấy nước này đã đạt được bước tiến dài trong sở hữu tên lửa hạt nhân với khả năng tấn công những mục tiêu cách xa hàng nghìn km.Dù đây là điều được dự báo trước, nhưng nó không khỏi khiến nhiều quốc gia giật mình lo ngại. An ninh ở Hàn quốc, Nhật bản ngay lập tức đã được tăng cường. Đáng chú ý, Mỹ lần đầu tiên tuyên bố cân nhắc các giải pháp quân sự còn Hàn quốc đã đề nghị thảo luận với Mỹ về việc triển khai bổ sung hệ thống phòng thử tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), ngay sau vụ vụ phóng tối hôm thứ 6 của Triều Tiên.Những phản ứng vừa nêu không chỉ cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề mà còn cho thấyMỹ giờ đây, đã coi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là một nguy cơ thực sự, chứ không còn là những mối đe dọa tiềm tàng như trước đó.

Câu hỏi đặt ra là Triều Tiên muốn gì khi liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy? Liệu đơn giản chỉ là “một cảnh báo mang tính chính trị”, hay còn có một động cơ nào khác? Và liệu Mỹ có thực sự cân nhắc một giải pháp quân sự hay đây tiếp tục chỉ là một tuyên bố mang tính đe dọa?

Trên thực tế, nếu như chính sách hạt nhân của Triều Tiên luôn là “điều nhức nhối” đối với các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, thì nay, những động thái của Triều Tiên quả thực là một thách thức rất lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi hành động của Mỹ đối phó với Triều Tiên ra sao, chắc chắn sẽ trở thành “ngọn cờ”và là chỗ dựa để Nhật bản, Hàn quốc và những quốc gia liên quan dõi theo và tính toán các bước đi tiếp theo của họ. Đã có quan điểm cho rằng Trung Quốc, với ảnh hưởng nhất định đối với Bình Nhưỡng, sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên, nhưng khoảng cách ngày càng nới rộng trong mối quan hệ Trung-Triều cũng như những tính toán có chủ đích của Trung Quốc cho thấy,khả năng này không thực sự khả thi.

Một lần nữa, câu hỏi: Mỹ sẽ hành động ra sao trước những thách thức từ Triều Tiên? lại được đặt ra.

Sau vụ thử tên lửa Hwasong14 thứ nhất hôm 4/7, nhiều giải pháp tiếp tụcđược đưa ra, trong đó có việc cô lập hơn nữa về kinh tế, hay áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng. Nhưng ngoài việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa phê chuẩn dự luật mới trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên hôm thứ 5, thì vẫn chưa có thêm một hành động quyết đoán nào khác từ Mỹ.

Bất chấp các nỗ lực quốc tế, việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ 2 có nguy cơ đẩy căng thẳng hiện hữu lên thành xung đột, nếu các bên không kiềm chế. Thứ nhất, chính quyền Tỏng thống Donald Trump đang đứng trước nhiều sức ép phải hành động khi tên lửa Triều Tiên công khai đe dọa an ninh của nước Mỹ. Thứ hai, thái độ bất cần của Bình Nhưỡng đanglàm đảo lộn chính sách "mở rộng vòng tay" của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-In (Moon Jae In) trong vấn đề Triều Tiên. Rõ ràng, việc Triều Tiên thử tên lửa lần 2 được ví như “giọt nước tràn ly” ép buộc Mỹ, Hàn quốc và Nhật bản phảicùng hành động, chứ không thể nhân nhượng Triều Tiên thêm một lần nữa.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết, vào đầu tuần này Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể tổ chức một cuộc họp khẩn về việc phản ứng với vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên ngày 28/7 vừa qua. Trước đó, Tổng Thư ký (TTK) LHQ António Guterres đã lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên; nhấn mạnh giới lãnh đạo Triều Tiên cần tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ quốc tế và cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hành động của Triều Tiên đã gây ra "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình quốc tế".

Tình thế hiện nay một lần nữa cho thấy sự bế tắc trong vấn đề Triều Tiên. Bởi “giọt nước tràn ly” có thể khơi lên xung đột trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể đẩy khu vực vào tình thế nguy hiểm, thậm chí là đối đầu quân sự./.


N.Quang
Ý kiến của bạn