Hà Nội

Triều Tiên không muốn gặp thượng đỉnh với Mỹ: Bóng lại được đá trả sang phần sân của Mỹ

20-11-2019 07:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong một tuyên bố mới nhất, Triều Tiên cho biết không còn hứng thú tổ chức thêm một cuộc gặp thượng đỉnh “không có kết quả” với Mỹ. Vì sao Triều Tiên lại đưa ra tuyên bố này?

Ngày 18/11, một cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng không còn “hứng thú” tổ chức thêm một cuộc gặp thượng đỉnh “không có kết quả” với Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington từ bỏ chính sách thù địch với quốc gia Đông Bắc Á.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim Kye-gwan, cựu đặc phái viên hạt nhân cấp cao của Triều Tiên, cho rằng theo ông hiểu thì chia sẻ mới đây mà Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một cách gợi ý hai bên tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh khác. Tuy nhiên, theo quan chức này hai bên đã gặp gỡ 3 lần kể từ tháng 6/2018 nhưng tới nay quan hệ song phương giữa hai nước chưa có tiến triển đáng kể. Cả hai hội nghị thượng đỉnh gần nhất cuối cùng chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Triều Tiên giờ đây không còn tha thiết tổ chức những hội nghị không kết quả với Mỹ và không cho Tổng thống Mỹ thêm cơ hội để “khoe” thành tích nếu phía này không được hưởng lợi gì.

Ông Kim Kye-gwan đưa ra tuyên bố Triều Tiên không còn hứng thú đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Ông Kim Kye-gwan đưa ra tuyên bố Triều Tiên không còn hứng thú đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Cố vấn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Mỹ cố tình khiến dư luận tin rằng có tiến triển trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhằm kéo dài thời gian. Quan chức này cũng hối thúc Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên nếu thực sự muốn hai bên đối thoại.

Trước đó, hôm 17/11, chia sẻ trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên “nhanh chóng hành động” và đi tới một thỏa thuận với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa kèm theo đó là thông điệp sớm gặp lại ông Kim Jong-un.

Việc Triều Tiên tỏ thái độ không còn “hứng thú” gặp thượng đỉnh với Mỹ, khiến dư luận quốc tế không khỏi ngạc nhiên. Bởi chỉ vài ngày trước đó, Triều Tiên vẫn yêu cầu Mỹ, thậm chí còn “nài nỉ” Mỹ hãy ngồi vào bàn đàm phán.

Có nhiều nguyên nhân được cho dẫn tới sự thay đổi đột ngột này. Thứ nhất, Triều Tiên đã quá “sốt ruột” về thái độ của Mỹ. Hai hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và một loạt các cuộc đàm phán cấp chuyên đã trôi qua mà mọi việc “vẫn giậm chân tại chỗ”. Cả Mỹ và Triều Tiên bên này đều muốn bên kia phải nhượng bộ, nhưng bản thân mình thì lại không, khiến cho cục diện đàm phán rốt cuộc vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên khó có thể chờ đợi một sự đủng đỉnh hơn nữa từ phía Mỹ. Thứ hai, Triều Tiên cho rằng dù họ đã nỗ lực, nhưng quan hệ song phương Mỹ - Triều chưa có tiến triển đáng kể. Cả hai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối cùng chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Triều Tiên không muốn tạo thêm cho Tổng thống Mỹ cơ hội để “khoe” thành tích nếu Bình Nhưỡng cũng không được hưởng lợi gì. Thứ ba, còn có ý kiến cho rằng sự thay đổi đột ngột của Triều Tiên còn chịu tác động bởi một nhân tố thứ ba (ám chỉ Trung Quốc) trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới rất gần.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng rơi vào bế tắc sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2/2019 không đạt thỏa thuận. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Stockholm (Thụy Điển) nhưng kết thúc mà không đạt tiến triển đáng kể trong khi Bình Nhưỡng cho rằng Washington không đưa ra đề xuất nào mới mẻ. Triều Tiên ra điều kiện từ giờ tới cuối năm 2019 nếu Mỹ không thể đưa ra một đề xuất mới giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân song phương thì phía này sẽ từ bỏ đàm phán và chọn “một con đường mới”.

Hôm 17/11, trong một động thái được đánh giá là nhằm tránh kích động Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã tuyên bố hoãn tập trận không quân chung dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper kêu gọi Triều Tiên quay lại bàn đàm phán để đáp lại thiện chí của Mỹ và Hàn Quốc.

Trên thực tế, dù bởi lý do nào thì tuyên bố của phía Triều Tiên cũng được cho là một cánh báo gửi tới Mỹ rằng “Triều Tiên sẽ không chờ đợi hơn nữa”. Như vậy quả bóng đã được đá trả lại sang sân của Mỹ và dòng tweet mới nhất “Hẹn sớm gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên” của Tổng thống Trump bị dội gáo nước lạnh, khiến mọi hy vọng nối lại đàm phán Mỹ - Triều gần như trở lại con số 0 tròn trĩnh.


N.Minh
Ý kiến của bạn