Triều Tiên “hâm nóng” thượng đỉnh BRICS

05-09-2017 07:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước mới nổi (BRICS) đang diễn ra tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, đã đồng loạt lên án vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên. Trong khi đó, có nhiều động thái cho thấy Mỹ, Hàn quốc muốn nghiêng về một giải pháp quân sự.

Tuyên bố Hạ Môn hôm 4/9 nêu rõ:" Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này chỉ nên được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình và đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên". Đây là lần đầu tiên BRICS ra tuyên bố lên án các hành động của Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị này cùng với sự tham dự của lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Với chủ đề "Làm sâu sắc quan hệ đối tác giữa các nước thành viên, mở ra tương lai tươi sáng hơn", Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 9 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã khai mạc ngày 4/9 tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trong phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi phức tạp, hợp tác giữa các nước BRICS đóng vai trò rất quan trọng. Tại hội nghị năm nay, ngoài 5 nước thành viên của BRICS, nước chủ nhà Trung Quốc còn đưa ra cơ chế đối thoại với các nước đang phát triển khi mời thêm 5 đại diện là các nước Ai Cập, Mexico, Guniea, Tajikistan và Thái Lan. Trung Quốc gọi đây là cơ chế BRICS , qua đó, thúc đẩy hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển, đây như một bước chuẩn bị cho việc mở rộng nhóm trong tương lai gần nhằm tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế, trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Phúc Kiến, Trung Quốc.


Tuy nhiên, mục tiêu hợp tác kinh tế của BRICS  đã bị “lu mờ” bởi vụ thử  bom nhiệt hạch hôm 3/9 của Triều Tiên. Trong các phiên thảo luận, tất cả các thành viên BRICS đều đặc biệt quan tâm tới những diễn biến mới tại Triều Tiên.

Bên lề BRICS, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 diễn ra trước đó 1 ngày. Tổng thống Nga Putin khẳng định cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên là thông qua con đường ngoại giao và đàm phán. Theo Tổng thống Nga, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.

Bên lề BRICS, Trung quốc cũng đã trao công hàm phản đối Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Bắc Kinh "đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ cho người phụ trách của Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc.

Chiếm 26% diện tích toàn cầu, có dân số bằng 42% dân số thế giới và GDP chiếm 27% GDP thế giới, BRICS ngày càng có tiếng nói quan trọng trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy thương mại và đầu tư là những trục bánh xe chính trong cỗ xe BRICS. Tuy nhiên, những diễn biến quốc tế phức tạp khiến BRICS, đặc biệt là Trung Quốc ấp ủ tham vọng nắm giữ ảnh hưởng chính trị lớn hơn trên toàn cầu. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một ví dụ. Việc BRICS lần đầu tiên đưa ra tuyen bố Hạ Môn cùng những động thái riêng rẽ khác, cho thấy BRICS không đơn thuần chỉ dừng lại ở kết nối kinh tế.

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tầm ảnh hưởng của BRICS. Ra đời cách đây 10 năm nhằm thúc đẩy tiếng nói, lợi ích của các nước đang phát triển, với 2 đầu tầu kinh tế lớn trên thế giới là Trung Quốc và Ấn độ, BRICS đã từng được kỳ vọng trở thành 1 thực thể chính trị có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Sau 10 năm, các chuyên gia phân tích ngày càng nghi ngờ mục tiêu này bởi các thành viên có rất ít điểm chung và đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế. 5 thành viên chủ chốt của BRICS đều đang đối mặt với thách thức. Nếu như Brazil đối mặt với khủng hảng kinh tế, chính trị, thì Nam Phi lún sâu vào suy thoái kinh tế. Về phần mình, Nga phải chật vật vượt qua các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh. 2 thành viên còn lại, Ấn Độ và Trung Quốc luôn đối đầu nhau về lợi ích và cạnh tranh về địa chính trị. Theo một số nguồn tin, cuộc chạm trán mới đây giữa Trung Quốc-Ấn độ tại Doklam, suýt nữa đã khiến Thủ tướng Án độ Modi hủy lịch tham dự BRICS. Chính vì vậy, BRICS chưa thực hiện được tham vọng gây dựng ảnh hưởng toàn cầu, như nước chủ nhà Trung quốc mong muốn.

Trở lại với vấn đề Triều Tiên, trong một diễn biến mới nhất, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào dịp Quốc khánh của Triều Tiên ngày 9/9 tới, hoặc dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10). Các nguồn tin cho biết các quan chức an ninh hàng đầu của Hàn quốc và Mỹ đã bắt đầu nghiêng về các biện pháp quân sự hơn là đối thoại với Triều Tiên. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/9 đăng trên Twitter rằng “sẽ cắt đứt quan hệ với những nước nào làm ăn với Triều Tiên” (ám chỉ Trung Quốc). Nếu điều này xảy ra, chắc chắn uy tín của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến vị thế của BRICS.


Nguyệt Minh
Ý kiến của bạn