Theo KCNA, tuần trước, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã gửi báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin, ca ngợi vai trò của binh sĩ Triều Tiên trong chiến dịch giải phóng khu vực Kursk khỏi lực lượng Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, ngày 18/6/2024. (Nguồn: Sputnik)
Ngày 28/4, Bình Nhưỡng cũng chính thức xác nhận việc triển khai lực lượng đến Kursk.
"Chiến dịch giải phóng khu vực Kursk nhằm đẩy lùi cuộc tấn công liều lĩnh của chính quyền Ukraine vào lãnh thổ Nga đã kết thúc thắng lợi", KCNA dẫn tuyên bố của Quân ủy Trung ương Triều Tiên.
Việc triển khai quân đội Triều Tiên tới Nga được thực hiện theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện ký kết giữa 2 nước vào năm 2024. Thỏa thuận này quy định hai bên sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau nếu bị tấn công, cam kết ứng phó ngay lập tức "bằng mọi phương tiện có thể" theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk diễn ra vào tháng 8/2024, khi Kiev điều động một số đơn vị tinh nhuệ nhất, được trang bị vũ khí phương Tây. Ban đầu, lực lượng Ukraine giành được một số vùng lãnh thổ và chiếm được nhiều khu dân cư, nhưng sau đó bị lực lượng Nga đẩy lùi.
Quân ủy Trung ương Triều Tiên cho biết, những diễn biến quân sự tại Kursk đã kích hoạt Điều 4 của thỏa thuận với Nga. Trên cơ sở đánh giá tình hình, ông Kim Jong-un đã quyết định cử quân đội hỗ trợ Moscow và thông báo quyết định này tới Điện Kremlin.
Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự của Triều Tiên tại Nga hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời coi đây là minh chứng cho việc thực hiện trung thực cam kết phòng thủ chung với Moscow.
Trước đó, Kiev và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Triều Tiên tham gia cuộc xung đột, nhưng đến cuối tuần qua, cả Bình Nhưỡng và Moscow mới chính thức xác nhận thông tin này. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng khẳng định rằng hai quốc gia có quyền tự quyết cách thức thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hợp tác.