Với giới doanh nghiệp, cỡ triệu phú chẳng có gì đáng nói, mà có tính thì phải là triệu phú, tỉ phú tiền đô. Nhưng với nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ sân khấu (SK), được xếp vào hàng triệu phú cũng là đáng nể bởi trong đời sống xã hội sôi động hôm nay, nghề diễn viên chỉ được xếp hàng thứ 3 (sau nghề tiếp viên hàng không, nghề người mẫu).
“Tìm em như thể tìm chim”
Gần 6 năm tôi mới trở lại TP. Hồ Chí Minh. Chuyến bay muộn đưa tôi tới thành phố vào lúc nửa đêm. Rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, đón luồng gió mát lạnh của thành phố về đêm thật dễ chịu. Đèn đường vẫn rực sáng, đây đó các quán xá, nhà hàng vẫn còn người ra vào nên nó không mang lại cho tôi cảm giác thành phố đang ngủ.
Nhiều năm theo dõi mảng văn hóa văn nghệ, bạn bè nghệ sĩ phía Nam không ít. Ấy vậy mà hơn chục ngày ở lại TP. Hồ Chí Minh, gặp được họ không hề dễ dàng gì. Có anh bạn thân làm ở Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, kỳ này lại đang đóng phim dài tập, quay tận Vũng Tàu. Thế là cũng loáng thoáng gặp nhau được một lần. Có ông tác giả là bạn vong niên, hăm hở vào sẽ được tiếp đón nhiệt tình, nào ngờ ông cũng đang lang thang mấy tỉnh đi thực tế. Có cô bạn diễn viên hạng sao SK thành phố, cũng chỉ được nhìn nhau trên sàn diễn, ngày đi quay, tối lên sàn, chả ngồi được với nhau lúc nào…
Buồn vì thấy mình lạc lõng trong dòng chảy đời sống văn nghệ thành phố. Chạnh lòng vì mang so bì với thực trạng hoạt động SK thủ đô. Nhưng vui vì mình có cơ hội được dấn thân.
![]() Vở Ngôi nhà thiếu đàn bà của SK Hoàng Thái Thanh. |
Sân khấu phía Nam: bằng mọi cách để bán được vé
Có khoảng chục nhà hát nằm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: SK Idecaf (Công ty TNHH sân khấu và nghệ thuật Thái Dương) của Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc, Công ty cổ phần Sân khấu – Điện ảnh Vân Tuấn của NSƯT Hồng Vân, Công ty cổ phần đầu tư giải trí Phước Sang, Công ty TNHH Nụ cười mới của Hoài Linh, Nhà hát SK nhỏ 5B Võ Văn Tần, SK Thế giới trẻ (Trường Sân khấu - Điện ảnh), SK Hoàng Thái Thanh… đỏ đèn thường xuyên, kịch nói giờ đây đã giành được thị phần riêng của mình. Mỗi điểm diễn, ít nhất có 3 – 4 vở luân phiên diễn trong tuần, trong tháng. Muốn đi xem cuối tuần phải lo mua vé trước hoặc phải nhờ người quen mới đặt được chỗ. Lại chợt nhớ những đận ở Hà Nội, cầm vé mời đến tận nhà người quen rủ đi xem mà có khi còn bị từ chối. Tại vở diễn trong này hay ư? Tại diễn viên trong này diễn giỏi ư? Và tôi đã đi tìm lời giải thích cho mình.
SK Thế giới trẻ nằm trong khuôn viên Trường Sân khấu – Điện ảnh trên đường Cống Quỳnh những ngày cuối tháng 6 đang mùa tuyển sinh. Từ sáng đến tối lúc nào cũng nhộn nhịp, náo nhiệt. Trong nhà kho, trước tiền sảnh, cuối hành lang… chỗ nào trống là sinh viên luyện tập. SK nhà hát những ngày cuối tuần liên tục đỏ đèn. Nhà hát chỉ khoảng 300 chỗ ngồi, giá vé 100.000 đồng – 120.000 đồng, suất diễn nào cũng đầy kín. Đêm thứ nhất tôi xem vở Điện thoại lúc nửa đêm, đêm thứ hai xem vở Biệt thự bí ẩn. Hai cốt truyện na ná nhau, sự ám ảnh của những hồn ma khiến con người sợ hãi, gây ra bao tình huống bi hài. Câu chuyện kịch đơn giản, cũng chả cần biết chủ đề tư tưởng là gì, nhưng cái giỏi là diễn viên bước ra SK biết cách lôi người xem theo họ từ đầu đến cuối. Khán giả đến nhà hát chỉ cần để vui, để cười với những tình huống diễn hài hước của diễn viên. Có cảm giác họ diễn mà như đang trò chuyện, vui đùa với khán giả. Nhà hát nhỏ cũng là một lợi thế rút ngắn khoảng cách giữa khán giả với diễn viên.
SK Hoàng Thái Thanh trên đường Võ Thị Sáu những ngày này đang diễn các vở Nửa đời ngơ ngác, Mua bảo hiểm tình, Bàn tay của trời, Ngôi nhà thiếu đàn bà… Một tối muốn đi xem vở Nửa đời ngơ ngác cũng phải nhờ cô diễn viên xinh đẹp Ngọc Lan mua hộ vì vé cũng đã bán trước cả nửa tháng rồi.
SK Trống Đồng nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám những ngày này tràn ngập pano quảng cáo chương trình tạp kỹ với con át chủ bài là diễn viên hài Hoài Linh. Vài năm gần đây, ở hẳn tại Việt Nam, Hoài Linh đã trở thành vật bảo chứng đảm bảo cho sự thành công của mỗi chương trình có anh tham gia, kể cả SK Trống Đồng tới hơn 1.500 chỗ ngồi. Còn tại SK Nụ cười mới của danh hài này nằm trên đường 3 tháng 2 là một dàn kịch mục hài: Gã lưu manh, Chàng khờ, Cười liều, Ép duyên cha, Chuyện tình tay tư…
SK của bà bầu Hồng Vân không nằm ở trung tâm mà bên quận Phú Nhuận, trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng cũng không vì thế mà ít khán giả tới xem. Những Mẹ và người tình, Nỏ thần, Hú hồn, Choáng, Dốt…hư điếc câm vẫn hằng đêm được khán giả đón nhận.
SK Idecaf nằm trên đường Trần Cao Vân đang kéo khán giả đến bằng các vở Con Tấm con Cám, Ca sĩ ngôi sao, Một cuộc đời bị đánh cắp, Cuộc chiến sui gia…
Lang thang khắp các SK trong thành phố, chứng kiến không khí khán phòng nơi từng nhà hát, tự cật vấn: Họ có bí quyết gì chăng?
Đem cảm giác này chia sẻ với ông Phạm Huy Thục – Phó hiệu trưởng Trường Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh – người cũng đã từng nhiều năm biên chế ở Đoàn cải lương Hải Phòng nên cũng dễ có sự nhìn nhận nguyên nhân thành bại của SK hai miền. Ông Thục bảo: Mục tiêu đầu tiên của các tác giả, đạo diễn là vở diễn phải đi vào lòng khán giả và họ làm mọi cách để khán giả mua vé. Vì thế cũng theo ông Thục thì với SK TP. Hồ Chí Minh, yếu tố giải trí phải đặt lên hàng đầu. Khán giả không quan tâm ai là tác giả, đạo diễn mà là vở có gần gũi với mình không, nghệ sĩ nào diễn trong vở đó.
Có lẽ biết được ưu thế của mình với khán giả nên diễn viên nhập vai là diễn như lên đồng, gần gũi, thân thiện, tìm cách đến tận trái tim từng khán giả.
Những triệu phú từ sàn diễn
Không khó để lý giải việc ở cái TP có hơn 8 triệu dân này, hoạt động SK cực kỳ năng động – năng động trong tiếp cận khán giả, trong cách khai thác vở diễn để hàng đêm khán giả háo hức đến các SK đã có nhiều nghệ sĩ giàu lên từ nghề biểu diễn.
Cũng phải thừa nhận thời tiết, con người, môi trường miền Nam ưu ái nhiều thứ cho giới làm nghệ thuật. Nơi đây bốn mùa nắng nóng, con người sống hướng ngoại, luôn muốn thoát khỏi ngôi nhà dù đủ tiện nghi của mình. Họ đi xem nghệ thuật như một nhu cầu giải trí cần thiết. Cái nếp sinh hoạt đó là một ưu đãi lớn cho những người làm nghệ thuật.
Thế nên ở TP có tới hơn chục SK kịch nói, đồng nghĩa với việc khán giả có quyền lựa chọn 1 trong 30 – 40 vở để xem (mỗi SK luôn có 3 – 4 vở diễn) thì việc các nghệ sĩ phải đua nhau, phải luôn làm mới mình để hấp dẫn khán giả là điều luôn thúc bách. Trong sự cạnh tranh ấy, họ đã biết đoàn kết và nương nhau, mỗi SK tìm ra con đường riêng tiếp cận khán giả để không ai đụng ai. Nếu SK Phú Nhuận của Hồng Vân ở khu vực có nhiều khán giả miền Bắc thường chọn kịch bản mang phong cách và âm hưởng Bắc như chuyên khai thác các tác phẩm văn học hoặc nói bằng cả tiếng Bắc và Nam thì SK Idecaf lại là SK của chính kịch thiên về sự sang trọng bởi có một lượng lớn khán giả trí thức. Nếu SK kịch Sài Gòn của Phước Sang là vùng có nhiều người Nam sinh sống nên thích kịch sinh hoạt mang tính thời sự, hài hước, khán giả đến chỉ để cười thì SK Nụ cười mới của Hoài Linh lại thường đi vào những vở diễn dân gian. Nếu như SK nhỏ 5B Võ Văn Tần thiên về những vở mang tính thể nghiệm thì SK Hoàng Thái Thanh của Ái Như và Thành Hội lại thiên về diễn chính kịch…
Vậy là trên cơ sở mỗi vùng cư dân có những đặc điểm khác nhau, nhu cầu khác nhau, mỗi SK đều tìm cách thỏa mãn thị hiếu đối tượng tiếp nhận và cũng luôn phải thay đổi tùy theo khẩu vị của công chúng. Vì thế ở bất cứ thời điểm nào, người xem cần thứ gì, các ông bầu phải có ngay, thậm chí còn phải biết dự báo nhu cầu thưởng thức của công chúng ở các thời điểm khác nhau. Mỗi năm, các đoàn xã hội hóa này diễn hàng nghìn buổi, doanh thu vài chục tỉ đồng. Diễn viên SK sống được bằng nghề và không ít người khấm khá. Có những người như NSƯT TL catse đêm diễn 1.000.000 đồng, một số nghệ sĩ khác cũng 500.000 – 700.000 đồng. Diễn viên trẻ LK ngoài việc diễn trên SK 5B Võ Văn Tần còn ký hợp đồng độc quyền với một hãng phim Hàn Quốc trong 2 năm với mức lương 60.000.000 đồng/tháng. Nhiều diễn viên hiện nay làm tới 3 – 4 việc/ngày, liên tục di chuyển, ăn nghỉ trên ôtô. Chuyện các diễn viên bây giờ mua xe tự lái là chuyện bình thường, họ hoàn toàn sống được và giàu lên từ nghề diễn.
Sân khấu đang đánh mất vai trò xung kích của mình
Dù có phải cảm ơn các ông bầu đã bỏ tiền ra làm SK và nhờ có họ mà khán giả không quay lưng với sàn diễn, nhưng chúng ta cũng không thể tự hào về một nền SK mà chỉ mang khoe về số lượng vở diễn. Ai đó đã nói rằng: SK TP. Hồ Chí Minh đang già cỗi hẳn không sai khi đêm đêm trên sàn diễn, quay đi quay lại cũng chỉ vài gương mặt quen thuộc. Idecaf chỉ Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Kim Xuân, Mỹ Duyên, Đại Nghĩa. SK Thế giới trẻ là Bảo Quốc, Đàm Loan, Thanh Thúy, Ngọc Trinh. SK Phú Nhuận cũng chỉ Minh Nhí, Đức Thịnh, Trịnh Kim Chi, Anh Vũ, Lan Phương, Hạnh Thúy. SK nhỏ 5B Võ Văn Tần xưa nay vốn là nơi mở rộng cửa đón những người trẻ có tài, nay cũng chỉ xuất hiện những Việt Anh, Lê Bình, Mỹ Uyên, Thanh Hoàng, Công Ninh. Điều đáng bàn nhất của SK phía Nam hiện nay là không có kịch bản chất lượng. Để thỏa mãn nhu cầu những khán giả tìm chỗ thư giãn, không đòi hỏi cao, người làm SK đang mải mê đi tìm những mảng miếng để câu khách. Đáng buồn là đối tượng khán giả này không phải là những khán giả lâu bền, chỉ là tạm bợ nên sức tác động đến SK rất ít. Thế nhưng khi mải chiều theo thị hiếu những khán giả dễ tính, SK đang đánh mất vai trò xung kích của mình – một ưu thế mà không ngành nghệ thuật nào có được – tác giả, đạo diễn, diễn viên đều đang né tránh những vấn đề của đời sống xã hội hôm nay.
Thật là buồn vui lẫn lộn sau một cuộc du Nam.
Tố Lan