Hà Nội

Nhiều người mắc bệnh da liễu do triều cường lên cao ở TP.HCM

17-11-2022 15:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước bẩn sẽ khiến cho da bị tổn thương và dễ mắc các bệnh như nhiễm nấm da, viêm nang lông do vi trùng, viêm kẽ, ghẻ... Bác sĩ cảnh báo tình trạng tự ý sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da.

Theo số liệu tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số bệnh nhân tới thăm khám do mắc các bệnh ngoài da như nấm da, viêm da tiếp xúc, viêm da nhiễm trùng, ghẻ... tăng rõ rệt vào các tháng mùa mưa trong năm.

Điển hình, số bệnh nhân tới khám tại khoa do mắc bệnh lý nhiễm nấm da vào tháng 6 là 1.930 bệnh nhân nhưng tới tháng 8 đã tăng lên 2.037 bệnh nhân. Đối với bệnh viêm da nhiễm trùng tháng 6 có 731 bệnh nhân tới thăm khám nhưng tới tháng 8 đã có tới 855 bệnh nhân. Tháng 6 chỉ có 682 bệnh nhân mắc bệnh ghẻ, tới tháng 8 đã lên tới 810 bệnh nhân.

Theo BSCK2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nước triều cường, nước ngập sau mưa chứa các loại hóa chất, tạp chất đến từ rác thải trong cống rãnh và là nơi cư ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng gây các bệnh về da.

Chuyên gia cảnh báo bệnh ngoài da do tiếp xúc với triều cường, nước ngập - Ảnh 1.

Vào mùa mưa, triều cường, số bệnh nhân mắc các bệnh ngoài da như nhiễm nấm da, ghẻ, viêm da... tăng lên rõ rệt. (Ảnh: P.T)

Khi người dân tiếp xúc với môi trường nước bẩn trong thời gian dài sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da, làm cho da dễ bị tổn thương tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Theo đó, người dân sẽ rất dễ mắc các bệnh như viêm da tiếp xúc do hóa chất, nhiễm nấm da, viêm nang lông do vi trùng, viêm kẽ, ghẻ, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc mề đay trên các đối tượng có cơ địa dị ứng.

Ngoài nước ngập sau mưa, nước triều cường thì các giọt nước đọng trên cành cây, cột điện sau mưa cũng là tác nhân gây ra các bệnh nấm, ghẻ, viêm da...

BSCK2 Đoàn Văn Lợi Em khuyến cáo, để tránh tình trạng mắc các bệnh ghẻ, nấm da... sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn thì người dân nên vệ sinh lại ngay bằng nước sạch, đặc biệt là vùng kẽ ngón chân, kẽ ngón tay… Đây là những nơi dễ đọng nước và chất bẩn nên cần chú ý rửa sạch sẽ và lau khô ráo, tránh để ẩm ướt tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Đồng thời, người dân không nên sử dụng các đồ dùng như giày dép, vớ, quần áo đang ẩm ướt. Theo đó, các đồ dùng nên được phơi nắng hoặc sấy thật khô trước khi sử dụng. Một điều quan trọng hơn là người dân cần hạn chế tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với môi trường nước. Nếu bắt buộc phải di chuyển trong lúc trời mưa, đường ngập thì người dân nên tự trang bị sẵn áo mưa, giày chống thấm, ủng, găng tay...

Chuyên gia cảnh báo bệnh ngoài da do tiếp xúc với triều cường, nước ngập - Ảnh 2.

Nước triều cường, nước ngập sau mưa chứa các loại hóa chất, tạp chất đến từ rác thải trong cống rãnh và là nơi cư ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng gây các bệnh ngoài da.

Hiện nay có tình trạng người dân nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ, ngứa, nổi mụn nước trên da sẽ tự ra các nhà thuốc mua các loại thuốc mỡ về tự điều trị mà không qua bất kỳ sự thăm khám hay tư vấn của bác sĩ. Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng đây là tình trạng rất nguy hiểm và đáng báo động.

Việc sử dụng thuốc bôi không đúng chỉ định có thể làm bệnh trở nên nặng hơn và phức tạp hơn. Các loại thuốc bôi thường chứa các hoạt chất điều trị như corticoteroid, kháng nấm hoặc kháng sinh. Bệnh nhân bị nhiễm nấm da tự ý dùng thuốc bôi có chứa corticosteroids thì có thể giúp cải thiện tình trạng đỏ, ngứa nhưng thuốc hoàn toàn không hề giúp tiêu diệt tác nhân nấm gây bệnh.

Do đó, khi bệnh nhân ngưng thuốc bệnh sẽ tái phát lại với sang thương thậm chí còn lan rộng hơn. Ngoài ra, việc tự ý bôi corticosteroid còn có thể làm cho biểu hiện bệnh không còn điển hình gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán chính xác bệnh, dẫn đến điều trị không hiệu quả. Việc tự ý sử dụng bừa bãi các loại thuốc có chứa các hoạt chất kháng nấm hoặc kháng sinh có thể làm gia tăng nguy cơ đề kháng thuốc trong cộng đồng.

Bệnh ghẻ - làm sao để trị dứt điểm?Bệnh ghẻ - làm sao để trị dứt điểm?

SKĐS - Bệnh ghẻ do một loại ký sinh trùng Sarcoptes scabiei ở da gây ra; lây truyền và dễ tái phát nếu không sử dụng biện pháp điều trị và vệ sinh tổng thể. Vậy bệnh ghẻ có nguy hiểm không và điều trị bệnh ghẻ như thế nào?


P.Thương
Ý kiến của bạn