Triều cường lên cao, người dân Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý gì?

03-12-2024 14:07 | Xã hội
google news

Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh trong thời kỳ đầu mùa khô để chủ động điều tiết nước ngọt cho sản xuất.

Triều cường lên cao, người dân Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Khu vực sông Tiền giáp ranh gữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ngày 3/12, thông tin từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết từ nay đến hết năm 2024, triều cường được dự báo ở mức khá cao. Trong kỳ triều cường đầu và giữa tháng 12 có thể sẽ xảy ra ngập trên các khu vực thấp, trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, các địa phương trong vùng cần phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Dẫn số liệu qua trắc, dự báo xu thế thủy văn và nguồn nước từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Ủy hội sông Mekong quốc tế và các tổ chức quốc tế, đại diện Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết tổng lượng mưa trong tháng 12/2024 trên lưu vực sông Mekong dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (nằm trong khoảng từ -5% đến 5 %), trong đó các khu vực thượng lưu có xu thế giảm, khu vực châu thổ có xu thế tăng.

Hiện nay, các hồ trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 93% tổng dung tích hữu ích; các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 85% dung tích hữu ích và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay.

Dự kiến dòng chảy về đến Kra-chê (Campuchia) sẽ giảm dần do lưu vực bước vào giai đoạn mùa khô. Do đó tổng lượng dòng chảy qua trạm Kra-chê trong tháng 12/2024 được dự báo biến động trong khoảng từ 11 tỷ m3 đến 13 tỷ m3; trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 26,3 tỷ m3 tiếp tục chảy ra đóng góp vào dòng chính sông sông Mekong.

Kết hợp các thông tin trên với dự báo thủy triều, tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) trong tháng 12/2024 sẽ biến động theo thủy triều trong khoảng từ từ 1,5 m đến 1,9m.

Lưu lượng dòng chảy trung bình ngày qua trạm Tân Châu trong tháng 12 sẽ biến động trong khoảng 6.500 m3/s đến 11.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy qua trạm này được nhận định sẽ ở mức từ 23,6 tỷ m3 đến 25,1 tỷ m3
(thấp hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ 2023).

Tại trạm Châu Đốc (ở tỉnh An Giang), mực nước lớn nhất ngày trong tháng 12 được nhận định sẽ biến động trong khoảng từ 1,6 m đến 2,0 m. Lưu lượng trung bình ngày qua trạm Châu Đốc được dự báo sẽ biến động trong khoảng 1.000 m3/s đến 2.200 m3/s. Tổng lượng dòng chảy qua trạm Châu Đốc được nhận định sẽ ở mức từ 4,5 tỷ m3 đến 4,7 tỷ m3 (ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023).

Với xu thế trên, Ủy ban sông Mekong Việt Nam khuyến cáo các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh trong thời kỳ đầu mùa khô để chủ động vận hành các công trình thủy lợi giữ nước ngọt cho sản xuất vụ Đông Xuân khi mực nước xuống thấp.

Thông tin thêm về xu thế triều cường trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết từ nay đến tháng 1/2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long biến đổi chậm với xu thế giảm dần.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 2/2025, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường: Đợt 1 từ ngày 1-6/12; đợt 2 từ ngày 13-17/12; đợt 3 từ ngày 29/12-4/1/2025 ; đợt 4 từ ngày 13-16/1/2025; đợt 5 từ ngày 29/1-5/2/2025 ; đợt 6 từ ngày 28/2-5/3/2025./.


Hùng Võ (Vietnam+)
Ý kiến của bạn