Viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên nếu không được theo dõi và điều trị đúng và kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng.
Biểu hiện thường thấy ở bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiện nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa rõ ràng, các nhà khoa học cho rằng đây là một bệnh tự miễn dịch, với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn hoặc di truyền… Chính vì vậy, đa phần trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần. Các ghi nhận cho thấy chỉ khoảng 15% số người bệnh viêm khớp dạng thấp bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính.
Các biểu hiện thường thấy ở người bệnh viêm khớp dạng thấp là sưng, đau khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa, đặc biệt là ở các khớp nhỏ và nhỡ. Thông thường người bệnh có biểu hiện đau sưng khớp liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và gần sáng, nghỉ ngơi không đỡ đau.
Đối với cứng khớp buổi sáng sẽ kéo dài trên 1 giờ, người bệnh thấy mệt mỏi, suy nhược do viêm khớp kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điểm đặc biệt người bệnh có thể không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ trong đợt tiến triển bệnh.
Biểu hiện tại khớp ở người bệnh viêm khớp dạng thấp là sưng, đau, nóng tại các khớp, ít khi tấy đỏ. Các biểu hiện sưng có thể là do sưng phần mềm hoặc do tràn dịch khớp. Các khớp thường thấy là khớp cổ tay, bàn ngón tay, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân và điểm dễ nhận thấy là có tính chất đối xứng, kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Đối với người bệnh có viêm cột sống cổ thường là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh, nếu không được điều trị sớm, đầy đủ, người bệnh sẽ bị dính và biến dạng các khớp viêm do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng, từ đó gây bán trật khớp, tàn phế.
Người bệnh có thể gặp các biến dạng như: Bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò, hội chứng đường hầm cổ tay...
Biến chứng có thể gặp khi bị viêm khớp dạng thấp
Ngoài biểu hiện ở khớp nếu không được chăm sóc, điều trị đúng thì người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gặp các tổn thương, cụ thể là:
- Biểu hiện ở da: Tình trạng hạt thấp dưới da hay gặp ở người viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh. Theo nghiên cứu, khoảng 10 - 15% số bệnh nhân gặp phải biểu hiện này. Thông thường sẽ xuất hiện ở dưới da vùng tỳ đè như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm, gân Achilles. Với đặc điểm thấp dưới da này có mật độ chắc, thường gắn dính với màng xương hoặc gân nên ít di động, kích thước từ vài mm đến 2 cm, đứng thành từng đám.
- Biểu hiện ở mắt: Ở người viêm khớp dạng thấp khi có biểu hiện tổn thương ở mắt thường là viêm khô kết mạc, một phần trong hội chứng Sjogren. Người bệnh cũng có thể viêm củng mạc và nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng.
- Biểu hiện ở phổi: Người viêm khớp dạng thấp có tổn thương ở phổi là nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn đường hô hấp do viêm khớp nhẫn giáp, viêm phổi, viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi… cũng có thể gặp ở thể bệnh nặng.
- Biểu hiện ở tim mạch: Ở người viêm khớp dạng thấp có tổn thương ở tim, trong đó có thể viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm van tim, loạn nhịp tim, nhiễm bột và viêm mạch. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp hội chứng Felty với biểu hiện nhiễm khuẩn tái phát, hội chứng Sjogren. Tổn thương hiếm gặp hơn là thần kinh ngoại biên và trung ương.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Tùy từng người bệnh, mức độ tổn thương mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị viêm khớp dạng thấp cho phù hợp. Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ điều trị kết hợp nhiều biện pháp: Nội, ngoại, vật lý, chỉnh hình.
Điều trị nội khoa sẽ được chỉ định ở người bệnh viêm khớp dạng thấp giai đoạn I, thường dùng các thuốc giảm đau, chống viêm thông thường và kết hợp tập luyện, điều trị vật lý, điện châm, nước suối khoáng. Ở giai đoạn II, III chỉ định các thuốc chống viêm đặc hiệu theo chỉ định của thầy thuốc và kết hợp vật lý trị liệu.
Với trường hợp bệnh nặng có biểu hiện ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh sẽ được các bác sĩ xem xét, chỉ định phẫu thuật chỉnh sửa các khớp và gân bị phá hủy hoặc thay thế chúng.
Tóm lại: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể tiến triển nặng, dần dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế. Chính vì vậy, người bệnh không được chủ quan, cần kiểm tra thường xuyên và điều trị đúng cách.
Người bệnh cần chú ý theo dõi cơ thể của mình và chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám thường xuyên và được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Để phòng các đợt viêm khớp tiến triển, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định, người bệnh cần dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện các môn phù hợp như: Bơi, đi bộ... nhưng cần nghỉ trong thời gian 5 - 10 phút sau mỗi giờ đi bộ, như thế vừa tăng cường nhịp hô hấp và nhịp tim mà không ảnh hưởng đến các khớp.
Không đứng hoặc ngồi quá lâu, nên vận động, tự xoa bóp các khớp khi có thể. Ngoài ra, cần có chế độ ăn giàu canxi và vitamin D sẽ giúp có bộ xương chắc khỏe.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-