Triệu chứng nhiễm cúm A và cách điều trị bệnh tại nhà cho người lớn và trẻ em

26-12-2024 10:00 | Y học 360
google news

Giao mùa là thời điểm mà nhiều người dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, điển hình là cúm A.

Nếu không được điều trị kịp thời, các ca bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng đặc biệt là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em và người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền đi kèm.

Triệu chứng nhiễm cúm A và cách điều trị bệnh tại nhà cho người lớn và trẻ em- Ảnh 1.

Triệu chứng cúm A ở người lớn và trẻ con

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính gây ra bởi virus với khả năng lây lan nhanh, mạnh. Các triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với cúm thông thường do đó người bệnh cần hết sức thận trọng đặc biệt là trong những thời điểm giao mùa.

Ở người lớn

Thông thường, triệu chứng của cúm A cũng tương tự như cúm mùa, gồm các biểu hiện như đau họng, sốt, sổ mũi, hắt hơi, đau mỏi người, một số bệnh nhân có thể kèm theo tình trạng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.

Ở trẻ em

Ở trẻ em, triệu chứng của cúm A cũng tương tự như ở người lớn nhưng diễn biến có thể phức tạp hơn như suy hô hấp dẫn đến rối loạn ý thức,... đặc biệt là ở những trẻ có sức đề kháng yếu, do đó, cha mẹ cần hết sức thận trọng.

Phương pháp điều trị cúm A tại nhà giúp cải thiện nhanh triệu chứng

Triệu chứng nhiễm cúm A và cách điều trị bệnh tại nhà cho người lớn và trẻ em- Ảnh 2.

Người bệnh nếu nghi ngờ mắc cúm cần phải được cách ly, tiến hành làm xét nghiệm để chẩn đoán.

Cúm A nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: Điều trị bằng thuốc, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ cách ly để đảm bảo an toàn.

Nguyên tắc điều trị:

- Sau khi phát hiện bệnh, người bệnh cần tiến hành cách ly, thông báo ngay cho các cơ quan y tế gần nhất.

- Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Đối với những trường hợp nặng cần có biện pháp điều trị tại chỗ.

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh.

- Chăm sóc hô hấp cho người bệnh.

- Đối với những trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau để cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng không mong muốn.

Cách ly kịp thời

Virus cúm rất dễ lây lan do đó người bệnh cần được cách ly theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho người thân, đặc biệt là ở những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền.

Tuân thủ điều trị

Thuốc điều trị:

- Bác sĩ có thể kê đơn các thuốc kháng virus chứa hoạt chất Oseltamivir (như Tamiflu) để làm giảm triệu chứng cho người bệnh. Trường hợp Oseltamivir không đáp ứng, đáp ứng chậm hoặc không có sẵn thì người bệnh có thể được kê đơn Zanamivir.

- Bên cạnh đó, thuốc hạ sốt giảm đau không kê đơn như Paracetamol, Ibuprofen,... cũng có thể được chỉ định ở những bệnh nhân sốt cao kèm theo đau, đầu, đau mỏi cơ,...

- Một số loại thuốc khác như thuốc long đờm, thuốc kháng histamin cũng có thể được sử dụng nếu bệnh nhân ho nhiều, sổ mũi, chảy nước mũi. Các thuốc này có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh dễ chịu. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn, tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Biện pháp điều trị khác:

- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể áp dụng biện pháp hút mũi, hút đờm, vỗ rung để giúp trẻ dễ dàng tống được chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Ngoài ra, có thể cho bệnh nhân xông hơi bằng nước ấm hoặc tinh dầu để giúp người bệnh dễ chịu hơn.

- Triệu chứng của cúm A có thể kèm theo tình trạng nôn mửa, sốt cao liên tục do đó biện pháp cần được ưu tiên hàng đầu là cho bệnh nhân uống đủ nước. Bổ sung đầy đủ nước và điện giải cho người bệnh vì tình trạng sốt cao liên tục có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng cho người bệnh. Pha oresol theo đúng hướng dẫn sau đó cho bệnh nhân uống, tránh các loại đồ uống có chứa chất kích thích.

- Sử dụng nước muối để vệ sinh mũi họng hàng ngày để làm giảm tình trạng khó chịu của bệnh.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Triệu chứng nhiễm cúm A và cách điều trị bệnh tại nhà cho người lớn và trẻ em- Ảnh 3.

Sức đề kháng tốt giúp người bệnh rút ngắn thời gian điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng, xây dựng chế độ ăn cần lưu ý:

- Chế độ ăn của người bị bệnh cúm A nên đầy đủ nhóm chất, ưu tiên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp,..

- Chia nhỏ bữa ăn, không nên sử dụng thức ăn nhanh, có nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích.

- Uống nhiều nước ấm, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả.

- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng.

- Nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng.

Thu Nguyễn


Ý kiến của bạn