Triệu chứng khi bị ong đốt

17-07-2015 15:00 | Y học 360

SKĐS - Thông thường, có 3 nhóm triệu chứng khi bị ong đốt: phản ứng dị ứng, sốc phản vệ và tổn thương muộn là suy đa tạng.

Thông thường, có 3 nhóm triệu chứng khi bị ong đốt: phản ứng dị ứng, sốc phản vệ và tổn thương muộn là suy đa tạng.  Phản ứng dị ứng xảy ra ngay sau khi ong đốt với biểu hiện: nạn nhân rất đau buốt, vết đốt sưng nề, tấy đỏ, phù cứng; nhất là vết đốt ở đầu, mặt, cổ. Sốc phản vệ: khi nạn nhân bị nhiễm độc nặng, sẽ bị sốc phản vệ với các triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, tụt huyết áp, vật vã kích thích, có tiếng thở rít, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong. Tổn thương muộn sau khi bị ong đốt 2-3 ngày là suy đa tạng: tiêu cơ, hoại tử cơ vân giải phóng ra chất myoglobin làm tắc ống thận, gây suy thận cấp và tổn thương nhiều cơ quan. Nạn nhân mệt mỏi, nôn, ăn uống kém, loạn nhịp tim, vàng mắt, vàng da, tiểu ít hoặc vô niệu, xét nghiệm thấy có suy thận và tổn thương gan…

Cách phòng tránh ong đốt

Nếu bị ong đốt có thể gây tử vong hoặc tổn thương rất nặng, vì vậy việc phòng tránh ong đốt có ý nghiã rất quan trọng. Phòng tránh các trường hợp bất ngờ bị ong đốt bằng cách : không đi lại ở những con đường có nhiều cây hoa mà ong vàng thường bay đến đây tìm hoa gây mật. Khi nhìn thấy ong vàng cần chủ động phòng tránh hoặc xua đuổi khi chúng bay gần người. Không quậy phá tổ ong. Khi nhìn thấy tổ ong thì cần tránh xa. Người lớn phải căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, hay lấy que chọc phá tổ ong. Không nên ra vườn vào buổi tối, khó phát hiện được tổ ong để tránh. Nếu bị ong tấn công, phải nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở. Dùng nùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác…

BS. Ninh Hồng

 

Cấp cứu như thế nào?

Trước tiên cần xua đuổi đàn ong để tránh bị chúng đốt nạn nhân nhiều hơn và tấn công người cấp cứu. Dùng giẻ tẩm dầu, quấn vào đầu gậy đốt, hoặc dùng bùi nhùi rơm rạ, đốt để dùng khói xua đàn ong ra khỏi nạn nhân. Nếu có điều kiện, có thể dùng bình xịt thuốc diệt côn trùng để xua đuổi đàn ong.

Xử lý vết đốt: cần rửa vết ong đốt bằng nước sạch và xà phòng. Nếu có ngòi ong trên da nạn nhân thì dùng nhíp gắp bỏ. Dùng cồn iod, hoặc nước oxy già bôi lên vết ong đốt để sát khuẩn. Cho nạn nhân uống thuốc kháng histamin, bôi mỡ kháng histamin, hay mỡ corticoid lên vết đốt. Không nên bóp nặn vết đốt vì dễ làm tổn thương nặng thêm.  Sau đó chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện.

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn