Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan, Trung tâm Kỹ thuật cao – BV Đa khoa Xanh Pôn, Giảng viên Bộ môn Ngoại – ĐH Y Hà Nội: Tiêu hóa là quá trình biến đổi thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều có thể gây nên các rối loạn của hệ tiêu hoá.
Như vậy, rối loạn tiêu hoá không phải là một bệnh lý mà là một tập hợp các triệu chứng bất thường có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Phát hiện và xử trí đúng cách khi có các triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hoá giúp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý thuộc đường tiêu hoá, tránh được các tình trạng nguy hiểm cho người bệnh.
Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp ở đường tiêu hóa nhưng bạn cần phải để phòng và đi khám ngay do ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan khuyến cáo:
1. Đau bụng
Đau bụng có thể do rất nhiều nguyên nhân, nhìn chung cần phải được bác sĩ chẩn đoán và điều trị an toàn. Tuy nhiên cần phải đến viện khẩn cấp trong một số trường hợp sau:
- Đau bụng có vị trí đau rõ ràng, và kéo dài liên tục trên 6 giờ
- Đau bụng xuất hiện một cách đột ngột, đau dữ dội, liên tục( như dao đâm), xuất hiện ở một vị trí sau có thể lan ra khắp bụng ( thường gặp trong thủng dạ dày, thủng tá tràng, chửa ngoài tử cung vỡ…). Đây là những trường hợp tối cấp cứu thường phải mổ cấp cứu ngay.
- Đau bụng liên tục, kéo dài (trên 6 giờ đồng hồ) và có xu hướng ngày càng tăng, hay lan rộng ra khắp bụng: thường gặp trong các viêm nhiễm trong ổ bụng, có thể phải mổ cấp cứu trong một số trường hợp ( viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa vỡ, viêm túi mật cấp, viêm túi thừa đại tràng…)
- Đau bụng cơn, cơn đau có xu hướng ngày càng nặng lên và mau hơn, đau bụng cơn dữ dội không chịu đựng nổi hay gặp trong sỏi mật kẹt, sỏi tiết niệu.
Đau bụng kèm theo một số triệu chứng đặc hiệu khác:
- Đau bụng kèm theo tình trạng nhiễm trùng: sốt, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi thường gặp trong các nhiễm trùng trong ổ bụng: viêm ruột thừa, viêm túi thừa, áp xe trong ổ bụng... cần phải đi khám sớm.
- Đau bụng kèm theo phát hiện các khối phồng, sa lồi, đau vùng bẹn, đùi, hay trên thành bụng gặp trong thoát vị nghẹt, cần phải được mổ sớm để tránh hoại tử ruột.
- Đau bụng sau chấn thương vào vùng bụng, sau cơn đau lan ra khắp bụng, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, da, niêm mạc nhợt: có thể có tình trạng chảy máu trong ổ bụng, cần nhập viện ngay.
- Đau bụng kèm theo vàng da, vàng mắt, sốt thường gặp trong nhiễm trùng đường mật so sỏi mật
- Đau bụng kèm theo chóng mặt, mệt mỏi, choáng ngất.
2. Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn là triệu chứng khá phổ biến trong các rối loạn đường tiêu hoá. Có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: Viêm dạ dày, ngộ độc thức ăn, hay thậm chí là các bệnh lý cấp tính cần phải điều trị sớm, thậm chí là phẫu thuật như: Tắc ruột, viêm phúc mạc…Cần nhập viện cấp trong một số trường hợp sau:
- Đau bụng cơn, sau kèm theo nôn: gặp trong tắc ruột (trong rối loạn tiêu hoá thường nôn trước đau bụng sau).
- Nôn ra máu cục lẫn thức ăn, nôn ra máu đỏ tươi, máu đỏ nâu, máu đen, gặp trong chảy máu tiêu hoá cao ( chảy từ thực quản, dạ dày, hành tá tràng), cần cấp cứu sớm, để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng do mất máu.
- Nôn ra dịch ứ đọng đen bẩn, vàng bẩn, mùi hôi ( như phân)
- Nôn kèm theo các triệu chứng khác như: sốt, nôn kéo dài trên 24 giờ, nôn nhiều gây mất nước (miệng khô, mắt khô, tiểu ít…), mệt mỏi, lơ mơ…
3. Rối loạn đại tiện
Các triệu chứng rối loạn đại tiện có thể gặp như:
Bí đại tiện, bí trung tiện gặp trong tắc ruột.
Đại tiện phân đen: phân đen như nhựa đường, như bã cà phê. Hiện tượng này gặp trong chảy máu đường tiêu hoá cao( dạ dày, hành tá tràng).
Đại tiện máu: Có nhiều hình thức như: đại tiện máu đỏ tươi, máu đỏ nâu, phân lẫn máu…có thể gặp trong một số bệnh như: chảy máu đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, trĩ chảy máu.
Đau sau đại tiện, sa khối vùng hậu môn khi đại tiện: là triệu chứng của các bệnh lý vùng hậu môn như: nứt kẽ hậu môn, trĩ, polyp hậu môn- trực tràng.
Táo bón: đại tiện dưới 3 lần/ tuần, đại tiện khó khăn, phân to cứng, hoặc dạng bi, đau khi đi đại tiện. Cần đi khám nếu táo bón kéo dài, đặc biệt khi táo bón kèm theo các bất thường khác như: đau bụng, sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu… vì có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm đường tiêu hoá như polyp, viêm nhiễm hay ung thư.
Tiêu chảy: đi ngoài phân lỏng như nước trên 3 lần/ngày. Khi bị tiêu chảy nhiều hoặc kéo dài dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới trụy mạch và tử vong.
4. Các rối loạn khi nuốt
Có thể gặp một số triệu chứng như: nuốt nghẹn, nuốt đau, nuốt vướng… Khi ăn thức ăn, người bệnh có cảm giác khó nuốt bởi thức ăn không được đưa vào thực quản hoặc đã vào thực quản nhưng khó tiêu không đi tiếp được xuống dưới và bị tắc nghẽn ở chỗ nào đó. Nhiều trường hợp bị đau khi nuốt, thức ăn không trôi được xuống để tiêu hóa nên có cảm giác đau.
Đây là triệu chứng thường gặp của bệnh lý thực quản như: khối u thực quản, viêm hẹp thực quản, co thắt tâm vị, thậm chí là ung thư thực quản.
Cần đi khám ngay khi các rối loạn kéo dài, liên tục, có xu hướng tăng lên, đặc biệt kèm theo mệt mỏi, sụt cân.
5. Một số triệu chứng khác
Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: là tình trạng dịch acid, có thể kèm cả thức ăn từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Thường gặp trong các bệnh lý dạ dày, thực quản như: viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm thực quản trào ngược… cần đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.
Chướng bụng, đầy tức bụng, chán ăn: luôn cảm thấy bụng căng tức, bí bách, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong, khiến cho người bệnh không có cảm giác thèm ăn. Thường do một số bệnh lý gây đình trệ quá trình tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá: viêm dạ dày, táo bón, thậm chí là các nguyên nhân gây hẹp lòng ruột như: viêm hẹp, lao, khối u…
Mệt mỏi, ăn kém, thiếu máu, sụt cân: đây là các triệu chứng báo động, nguy hiểm, thường liên quan đến các bệnh lý phức tạp của ống tiêu hoá thậm chí là ung thư ống tiêu hoá, cần đi khám và điều trị sớm.
Mời đón xem vi deo đang được quan tâm:
Vận động viên thể thao có kiêng quan hệ tình dục trước khi thi đấu không?