Những triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi (58%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), ho (19%), nặng ngực (16%).
Nguyên nhân của các triệu chứng này là do tác động trực tiếp của virus gây bệnh COVID-19 kết hợp với việc điều trị kéo dài gây nên.
Những nguyên tắc chung trong việc xử lý các triệu chứng COVID kéo dài
Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp khắc phục các triệu chứng COVID kéo dài
1. Phải hiểu rằng các triệu chứng này sẽ dần dần giảm hoặc mất đi, nhưng cần thời gian. Do đó hãy bình tĩnh, không căng thẳng, lo lắng. Căng thẳng lo lắng đôi khi làm triệu chứng nặng thêm ví dụ như triệu chứng khó thở. Hãy cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi phục hồi, không vội vàng. Xây dựng lịch làm việc, học tập điều độ nhưng nhẹ nhàng. Lịch học tập và làm việc không quá nặng nếu thấy trong người chưa khỏe.
2. Áp dụng các hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà ví dụ như tập thở, tập thể dục, thư giãn…
3. Đi khám ngay khi có các triệu chứng nặng lên hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm ví dụ như khó thở nặng, đau ngực nặng, buồn nôn, chóng mặt…
4. Tìm kiếm các cơ sở y tế có chức năng điều trị, phục hồi chức năng để được hướng dẫn, theo dõi và điều trị phù hợp.
Một số lời khuyên áp dụng ban đầu tại nhà
Khó thở
Chọn lựa tư thế phù hợp giúp thoải mái lúc khó thở: Nằm nghiêng đầu cao 45 độ (cao cả người chứ không phải nâng riêng đầu), ngồi chống tay trên bàn, ngồi cúi người tới trước, đứng vịn tới phía trước hoặc đứng dựa tường.
Thực hành các bài tập kiểm soát hơi thở lúc nghỉ ngơi, chia nhỏ các vận động để có thời gian nghỉ thở.
Tập thể dục: Không thụ động, phải bắt đầu tập thể dục nhưng nhẹ nhàng và vừa sức của mình. Tập thể dục có nhiều cái lợi bao gồm giảm khó thở, tăng sức cơ, giảm stress, cải thiện cảm xúc…
Một số tư thế giúp giảm khó thở
Nhức đầu
Không dùng rượu bia và uống quá nhiều các chất kích thích khác như trà đậm, cà phê, nước tăng lực, nước coca cola. Xây dựng lịch sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ. Cố gắng ngủ đủ giấc. Dùng các biện pháp thư giãn như thiền, yoga, nghe nhạc, xem phim…
Ho khan, ho đàm
Ho khan thường xảy ra sau COVID-19. Bản thân việc ho nhiều cũng làm cơ thể rơi vào vòng luẩn quẩn bởi đường hô hấp bị kích thích và dẫn đến mắc ho nhiều hơn. Người bệnh thở bằng miệng cũng làm cho không khí khô đi qua họng kích thích và tăng cảm giác mắc ho nhiều hơn. Khi có cảm giác mắc ho, nên ngậm miệng và nuốt xuống để kiềm lại, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi cho đến khi giảm cảm giác ho, hớp nước từng ngụm nhỏ nhiều lần, ngậm kẹo ngậm… Người bệnh bị ho do COVID-19 thường có xu hướng thở miệng. Do đó cố gắng tập thở bình thường bằng mũi và hạn chế thở bằng miệng.
Khi ho có đàm, thực hiện phương pháp giúp long đàm sau đây.
Bước 1 thở sâu: Hít sâu, nín thở trong vài giây, sau đó thở ra bằng miệng. Thực hiện 3-4 lần bước này.
Bước 2: Thở bình thường bằng mũi trong 20-30 giây.
Bước 3: Thổi: hít hơi sâu sau đó hả miệng to thổi ra nhanh bằng miệng tưởng tưởng giống như hà hơi làm mờ hơi nước trên kính đeo mắt để chùi cho sạch. Thực hiện bước 3 vài lần.
Thực hiện vài chu kỳ (bước 1, bước 2, bước 3) như vậy cho đến khi cảm giác giảm đàm.
Mời độc giả xem thêm video:
Hướng dẫn sử dụng một số thiết bị y tế tại nhà