Triệu chứng cho thấy bạn đã nhiễm cúm A H5N1

28-02-2023 15:07 | Y học 360

SKĐS - Khi bị nhiễm cúm A(H5N1) sẽ có triệu chứng gì? Làm sao để phòng tránh?. Bài viết này sẽ cho bạn những thông tin hữu ích.

photo-1677417593028

Khi bị nhiễm cúm A(H5N1), trẻ sẽ có triệu chứng: sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ…


Ngày 22-2, Bộ Y tế Camphuchia xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 là một bé gái 11 tuổi tử vong, đến 24/2 Bộ Y tế nước này thông báo thêm một ca tử vong do nhiễm chủng virus này. Ngày 27/2, theo Vietnamnet 'Bộ Y tế Campuchia cho biết chủng H5N1 gây ra cái chết của bé gái nói trên thuộc nhánh 2.3.2.1c, đã lưu hành nhiều năm ở các loài chim và gia cầm nước này'. Trước lo ngại về dịch cúm A H5N1 xâm nhập Việt Nam các cơ quan chức năng đã lên các phương án đối phó.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus type A, chủng H5N1 gây ra. Virus A(H5N1) là chủng cúm có độc lực cao, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người.

Cúm A H5N1 lây truyền bằng cách nào?

Bệnh cúm A(H5N1) có nguồn gốc từ các loài gia cầm như gà, gà tây, ngan, ngỗng, vịt, chim cút, đà điểu, chim cảnh hoặc chim hoang dã…

Virus cúm A(H5N1) có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân của gia cầm bị bệnh.

Bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người do người có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc cận kề với gia cầm nhiễm bệnh, gia cầm chết hoặc các vật bị nhiễm phân, dịch tiết của gia cầm bị bệnh trong quá trình nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, ăn thịt gia cầm bệnh chưa nấu chín.

photo-1677417597186

Không nên cho trẻ tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm hay các loại chim đang trong giai đoạn nhiễm bệnh hoặc đang trong thời gian dịch cúm hoành hành


Triệu chứng nhiễm cúm A H5N1

Khi bị nhiễm cúm A H5N1, người bệnh sẽ có triệu chứng: sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ…Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như: đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy, chảy máu cam và lợi.

Sau đó là các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như khó thở, đau ngực. Ở nhiều người biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm. Khó thở tiến triển rất nhanh, trường hợp nặng gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, có thểdẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh cúm A H5N1

Cúm A H5N1 có 3 giai đoạn phát triển, gồm:

-Thời gian ủ bệnh: Giai đoạn ủ bệnh của cúm A H5N1 không có dấu hiệu. Virus cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2 - 8 ngày. Tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

- Giai đoạn khởi phát: Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn…

- Gia đoạn toàn phát: Các triệu chứng cúm A H5N1 dần trở nên rõ ràng và mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân suy hô hấp, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, đe dọa tính mạng người bệnh.

Cách phòng ngừa cúm A H5N1 cho trẻ em

Trường hợp tử vong vì cúm H5N1 ở Camphuchia là trẻ em cũng đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo lắng, bởi theo BS Nguyễn Giang, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em do sức đề kháng còn yếu, cơ thể khó chống lại các virus có độc tính cao nên nếu không may khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm nhiễm bệnh hoặc ăn thịt gia cầm, thủy cầm bệnh chưa nấu chín dễ có khả năng mắc cúm A(H5N1)

Cha mẹ cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh cúm A(H5N1) cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi như sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, tắm rửa thay quần áo cho trẻ hàng ngày. Cha mẹ luôn nhắc nhở trẻ rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi nô đùa và đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các vật nuôi gia cầm, thủy cầm trong nhà. Tốt nhất là không cho trẻ tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm hay các loại chim đang trong giai đoạn nhiễm bệnh hoặc đang trong thời gian dịch cúm hoành hành.

- Không cho trẻ ăn những thực phẩm như: trứng, thịt gia cầm, thủy cầm đang nghi ngờ mắc bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận đã kiểm dịch.

- Khi cho trẻ ăn trứng, thịt gia cầm, thủy cầm cần nấu chín kỹ. Không ăn thịt khi còn màu hồng và trứng còn lòng đào. Hình thành thói quen ăn chín uống sôi cho trẻ.

- Khu vực chăn nuôi, chuồng trại nên làm cách xa nhà, nên quây nhốt gia cầm, không nên nuôi thả và để gia cầm vào nhà, vào bếp…

Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào?Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào?

SKĐS - Hầu hết các trường hợp người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm) do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật bị nhiễm bệnh...

Mời xem thêm video:

5 loại quả giúp tăng cường miễn dịch khi chuyển mùa


P.Thanh
Ý kiến của bạn