Với kinh nghiệm hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, bác sĩ Lê Thị Thanh Loan cho biết, có nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm nhưng đôi khi không biểu hiện thành triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh thông thường nên chị em dễ bỏ qua.
Chướng bụng, đầy hơi, chán ăn, sụt cân
Khi bị khó chịu ở bụng, nặng bụng, đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, sụt cân, cảm giác bụng to lên, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón..., nhiều người thường chỉ nghĩ nghi ngờ mắc bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư buồng trứng.
Do đặc điểm cơ thể học nên ung thư buồng trứng rất khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm. “Nhiều bệnh nhân bị ung thư buồng trứng không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng rõ rệt nào mà chỉ tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc qua khám phụ khoa định kỳ. Do đó việc khám phụ khoa định kỳ là rất cần thiết nhằm phát hiện sớm ung thư buồng trứng ngay từ khi chưa biểu hiện triệu chứng bất thường”, bác sĩ Loan lưu ý.
Xuất huyết âm đạo bất thường
Xuất huyết âm đạo bất thường là cảnh báo về các bệnh rối loạn hormone, u vú vùng tuyến yên, bệnh lý tại buồng trứng, tử cung, cổ tử cung (ung thư), nội mạc tử cung, âm đạo… Đặc biệt, ung thư cổ tử cung chiếm hàng đầu trong các loại ung thư thường gặp ở phụ nữ trên toàn thế giới. Nhưng bệnh lý này có tính chất tại chỗ, cục bộ nên nếu được phát hiện từ sớm thì khả năng chữa khỏi gần như 100%.
Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh con. Một số chị em thường lơ là khi bị kinh không đều, kinh thưa, vô kinh… Đến khi lập gia đình, phát hiện mình bị vô sinh, hiếm muộn mới điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém. Về điểm này, bác sĩ Loan khuyên: "Khi bị rối loạn kinh nguyệt ở mức khác xa bình thường, chị em nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau".
Đi tiểu bất thường
Mỗi ngày đi tiểu khoảng 6-8 lần, mỗi lần 300 ml là hợp lý với một cơ thể bình thường, uống đủ nước. Nếu làm việc văn phòng, ngồi máy lạnh, số lần tiểu của bạn sẽ cao hơn một người lao động ngoài trời bởi họ thường xuyên ra mồ hôi. Tuy nhiên, nếu số lần đi tiểu khác xa mức bình thường, kể cả ít hay nhiều hơn, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Có thể bạn đang gặp vấn đề về đường tiết niệu hoặc tiểu đường, u buồng trứng, u xơ tử cung gây chèn ép đường tiết niệu.
Vùng kín có mùi
Dịch âm đạo tiết ra từ vùng kín là một chất “tẩy rửa” tự nhiên giúp diệt khuẩn, cân bằng nội môi. Dịch âm đạo bình thường là một chất màu trắng hơi sệt như bột, không mùi, không ngứa, không hôi, PH âm đạo khoảng 4,2/5. Nếu như phát hiện vùng kín có mùi hôi nặng dù vệ sinh kỹ, bạn nên thăm khám sớm tình trạng này, có thể do bạn bị viêm sinh dục, bất thường ở cổ tử cung như ung thư cổ tử cung...
Riêng với phụ nữ mang thai, môi trường âm đạo có tính hơi axít, khi môi trường vùng này thay đổi dễ dẫn đến nhiễm nấm, gây cảm giác ngứa rát vùng âm hộ, âm đạo. Lời khuyên cho thai phụ khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào vùng âm đạo nên khai báo trong quá trình khám thai định kỳ để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm.
Khối u ở vú
Nếu phát hiện có khối u trong vú, da vùng này biến đổi, co kéo, núm vú tiết dịch, lún hay sần sùi, chị em cần đi khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của ung thư. "Nhưng không phải lúc nào ung thư vú cũng có triệu chứng rõ ràng mà chỉ tình cờ phát hiện qua siêu âm và chụp nhũ ảnh. Do đó việc khám phụ khoa thường xuyên là rất cần thiết", bác sĩ Thanh Loan cho biết.
Gia đình có tiền sử ung thư cổ tử cung, buồng trứng, vú
Nếu trong số những phụ nữ có quan hệ huyết thống với bạn (gồm mẹ, chị gái, em gái) có một người bị ung thư buồng trứng hay vú thì nguy cơ mắc bệnh này của bạn sẽ tăng lên. Các chị em trong trường hợp này nên đi khám phụ khoa định kỳ thường xuyên, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường bởi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị ung thư cao.
Theo quan sát và ghi nhận của bác sĩ Thanh Loan, nhiều phụ nữ vì chủ quan, ngại ngần, bận rộn, phần khác do thiếu kiến thức nên thường ít chú tâm khám phụ khoa định kỳ. Đến khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt mới nhập viện thì đã ở giai đoạn nặng rất khó chữa.
"Ngay cả với những căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng hay ung thư vú thì việc khám, tầm soát bệnh ở giai đoạn sớm có thể giúp điều trị thành công với tỷ lệ lên đến 98%. Ngược lại, khi bệnh đã tiến triển và di căn, chỉ 20% phụ nữ sống sót quá 5 năm”, bác sĩ nói.
Thi Ngoan